Vay nữa là có vấn đề

Vay nữa là có vấn đề
TP - Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, ngày 2-11, nhiều đại biểu cho rằng, khi nợ công chiếm hơn 30% GDP, Chính phủ khẳng định đây là ngưỡng an toàn. Khi nợ quốc gia chiếm hơn 40% GDP, Chính phủ cho rằng vẫn trong ngưỡng an toàn. Đến giờ, khi nợ công đã chiếm trên 56% GDP, Chính phủ khẳng định vẫn là con số an toàn (?).

ĐB Cao Sỹ Kiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, nhiều nước tiên tiến có nợ công chiếm đến 100% GDP, thậm chí 120% nhưng tích lũy lớn, khả năng tái tạo rất nhiều, chủ động vật tư nguyên liệu và chính sách, định hướng ổn định và an toàn. Họ hoàn toàn có thể trả được nợ. Trong khi đó, khả năng dự trữ của nước ta thấp, tích lũy chưa nhiều, khả năng phụ thuộc rất lớn nước ngoài về vật tư, nguyên liệu, thiết bị, thị trường…Hơn nữa, Việt Nam tới đây sẽ vay nhiều hơn.

“Trong khi nợ chưa đến hạn có thể thấy an toàn, ta vẫn trả được. Còn vay nữa để phát triển, gánh nặng chồng lên rất nhanh, độ an toàn là vấn đề. Đến giờ chưa thấy nguy hiểm. Nhưng khả năng trả nợ xảy ra vấn đề thì chuyện không phải đơn giản” - Ông Kiêm lý giải.

TS Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định: Không nên chỉ tính đến nợ công an toàn ở bao nhiêu phần trăm GDP mà phải tính đến vấn đề Việt Nam chỉ nợ một chiều, nghĩa là chỉ nợ nước ngoài chứ nước ngoài không nợ Việt Nam. “Số tiền phải trả nợ năm 2011 sẽ lên đến 14 – 15% ngân sách. Phải cân đối ngoại tệ so với nguồn thu từ xuất khẩu” - ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.

“Tuy nước ta chưa có quy định ngưỡng an toàn của nợ công nhưng với sự tăng nhanh và ở mức cao 56,7% thì không thể nói an tâm được” - ĐB Lò Văn Muôn băn khoăn.

MỚI - NÓNG