Vay tín chấp: Lời giải bài toán vay vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ

Các ngân hàng bắt đầu dành ra những khoản vốn cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vay tín chấp
Các ngân hàng bắt đầu dành ra những khoản vốn cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vay tín chấp
Khó khăn tiếp cận vay vốn từ các ngân hàng luôn được coi là rào cản lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ do thiếu tài sản bảo đảm, nhưng dường như điều này đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều ngân hàng tung ra các sản phẩm cho vay tín chấp dành cho nhóm các doanh nghiệp này.

Rào cản vay vốn

Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), kết hợp với Đại học Copenhagen và Viện Khoa học lao động xã hội thực hiện, được công bố vào cuối năm ngoái, khó khăn tìm nguồn tài chính vẫn là chủ đề được nhiều doanh nghiệp nhắc tới. Cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 2.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa, và phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Có tới 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết vì không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ các ngân hàng nên đã phải tìm đến các khoản vay phi chính thức. Nếu như khả năng tiếp cận vay vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2013 ở mức 45%, thì trong năm 2015 chỉ còn 24%.

Cũng vào thời điểm cuối năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết chỉ khoảng 1/3 số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với vốn ngân hàng, tương đương với kết quả mà CIEM đã công bố. Đáng nói hơn nữa, tổng số vốn mà các doanh nghiệp này vay được chỉ chiếm 3% tổng lượng vốn mà các ngân hàng cung cấp ra nền kinh tế.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp trên cả nước. Các doanh nghiệp này đang đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm. Với những đóng góp lớn cho nền kinh tế như vậy, thì tỷ lệ vốn mà các doanh nghiệp này được tiếp cận từ các ngân hàng lại không tương xứng tí nào.

Vì sao các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là quy mô siêu nhỏ, lại khó tiếp cận với vốn ngân hàng trong khi nhu cầu của họ là rất lớn? Hay nói một cách khác, vì sao trong những năm qua các ngân hàng lại không mặn mà với số đông khách hàng này?

Khi được hỏi về vấn đề này, hầu hết đại diện các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ đều trả lời rằng họ bị ngân hàng từ chối vì thiếu tài sản đảm bảo, hoặc các loại tài sản  đảm bảo đủ điều kiện cho vay lại vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

“Ngân hàng chủ yếu cho vay dựa trên tài sản thế chấp, đi kèm với đó là tình hình tài chính tốt và chứng minh được độ tín nhiệm. Tình hình tài chính tốt chúng tôi có thể chứng minh được, nhưng với các doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi, đòi tài sản để thế chấp thì rất khó đáp ứng,” chủ một doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ cho biết.

Về phía các ngân hàng, điều này cũng có thể dễ thông cảm vì những e ngại về nợ xấu, đặc biệt cho tới nay nợ xấu vẫn là vấn đề nóng cần giải quyết trong hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng luôn tìm kiếm tài sản đảm bảo ở mức 100% các hạn mức tín dụng và tránh cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngân hàng tăng cho vay tín chấp

Trước những khó khăn về tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháng 7/2014, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm và hoạt động của doanh nghiệp để xem xét cho vay tín chấp. Sau yêu cầu trên, tình thế cũng đã dần có thay đổi khi các ngân hàng bắt đầu dành ra những khoản vốn cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vay tín chấp.

Vay tín chấp không chỉ là sản phẩm khai thông dòng tín dụng cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mà còn mở ra một thị trường tiềm năng đã bị bỏ ngỏ lâu nay cho ngân hàng. Đại diện của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thậm chí còn chia sẻ rằng, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chính là một trong những nhóm khách hàng chiến lược mà ngân hàng đang hướng tới trong năm 2017 để trở thành một ngân hàng luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp SME hàng đầu tại Việt Nam.

Ngay từ năm 2014, VPBank đã bắt đầu thí điểm dòng sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp và chính thức triển khai vào đầu năm 2015. Cho tới thời điểm hiện nay, đây là dòng sản phẩm cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục sản phẩm cho vay doanh nghiệp của VPBank. Lý giải về điều này, đại diện khối SME của VPBank cho biết đó là nhờ lợi thế cạnh tranh từ sự đa dạng của các sản phẩm.

Ví dụ như riêng về cho vay tín chấp doanh nghiệp, VPBank có tới ba loại sản phẩm, trong đó bao gồm sản phẩm tín chấp thông thường, sản phẩm tín chấp dành cho khách hàng SME hiện tại và sản phẩm tín chấp cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Với ba loại sản phẩm này, VPBank đã đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh, mua sắm tài sản cố định, đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, văn phòng và thanh toán L/C. Thủ tục cho vay cũng đã được ngân hàng đơn giản hóa một cách tối đa cho phù hợp thực tế thị trường Việt Nam. Điển hình như các khoản vay tín chấp cho doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ cần 5 giờ đồng hồ để phê duyệt kể từ khi hoàn thành đầy đủ hồ sơ.

Ngoài ra, VPBank cũng linh hoạt khi tung ra dòng thẻ tín dụng Doanh nghiệp VPBiz cho phép các doanh nghiệp chi tiêu trước trả sau với thời gian miễn lãi lên đến 45 ngày và được hoàn tiền lên đến 5% trên ngành hàng chi tiêu. Chính nhờ những sản phẩm trên mà thời gian qua VPBank đã nhận được hai giải thưởng của các tổ chức quốc tế, gồm giải thưởng “Ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt nhất Việt Nam 2016” và giải thưởng “Sản phẩm vay tín chấp tốt nhất Việt Nam 2017”.

MỚI - NÓNG