Vé tàu Tết ế, vì sao?

Hành khách không mấy mặn mà với vé tàu Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hành khách không mấy mặn mà với vé tàu Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Lần đầu tiên, vé tàu Tết ế ẩm. Thời buổi khó khăn, phương tiện vận tải đa dạng sẵn sàng cạnh tranh; trong khi phong cách phục vụ của đường sắt chậm cải tiến đã khiến vé tàu hỏa thừa nhiều.

Cứng nhắc trong bán vé

Thông tin các Ga Sài Gòn tồn 9.000 vé tàu từ TPHCM ra Hà Nội trước Tết; chiều vào TPHCM sau Tết ế 12.000 vé khiến dư luận giật mình và là lời cảnh tỉnh với ngành đường sắt vốn có tiếng trì trệ, chậm đổi mới.

Vé tàu Tết ế, vì sao? ảnh 1

Ngành đường sắt đang đứng trước sức ép cạnh tranh của nhiều loại hình vận tải khác (chụp tại Ga Hà Nội chiều 19/1). ảnh: Bảo an.

Khảo sát tại Ga Hà Nội đầu giờ chiều 19/1, hàng ghế ngồi đợi mua vé chỉ thưa thớt vài người. Nói là thừa, nhưng để mua được tấm vé là không dễ chút nào. Từ ngày 22/1 đến 27/1, tất cả các vé từ Hà Nội về Nam Định, Thanh Hóa, Vinh đều báo hết. Điều lạ là, trong khi đó, nếu khách hỏi mua vé Tết từ Hà Nội vào TPHCM những ngày này, nhân viên quầy vé báo vẫn còn nhiều.

Anh Tuấn (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rời quầy vé nói đầy bực dọc: “Chẳng thể hiểu nổi các ông bà này làm ăn kiểu gì. Tôi về Nghệ An tối mồng 1 Tết, lúc đó ai đi đâu mà cũng báo hết vé, nhưng vé đi Sài Gòn lại còn nhiều”.

Đây là hệ quả của việc “om” vé để bán chặng dài thiếu linh hoạt của ngành đường sắt lâu nay. Các nhân viên bán vé tại Ga Hà Nội cho biết, vé thường được dành để bán cho những hành khách đi chặng dài đến những ngày cận kề nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng; nhân viên không được tự ý cắt chặng để bán. Chỉ khi đến gần ngày tàu khởi hành, có quyết định của cấp trên, nhân viên mới được phép làm (cắt chặng để bán).

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Tuyên- Trưởng ban Kinh doanh Vận tải (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) lý giải: “Vé chỉ dư thừa trước ngày 22/1 và sau ngày 28/1. Đây chưa phải là cao điểm dịp Tết. Sau ngày 22/1 đến 28/1, lượng vé Tết hầu như không còn”. Việc khan hiếm vé chặng ngắn, dư vé chặng dài, ông Tuyên cho biết vừa chỉ đạo các đơn vị thực hiện cắt ngắn chặng để bán từ nhiều ngày qua.

Giá vé cao và tận thu

Một điều ít được đề cập là trong dịp Tết, nhiều chuyến tàu địa phương, tàu thống nhất giá rẻ bị ngưng hoạt động nhường hành trình cho những mác tàu cao hơn. Chẳng hạn, tàu mang số hiệu NA ngày thường vẫn phục vụ hành khách từ Hà Nội qua các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa đến Nghệ An bị ngừng hoạt động trong ngày cao điểm Tết. 

Không có tàu địa phương, khách buộc phải đi tàu thống nhất với chi phí cao hơn. Một ghế ngồi mềm của tàu NA từ Hà Nội – về đến Vinh thường ngày chỉ 169.000 đồng; dịp Tết, khách phải đi tàu thống nhất có giá từ 190.000 đến 244.000 đồng. Tuy ngành đường sắt công bố là không tăng giá vé chiều từ Bắc vào Nam trước Tết, nhưng từ Hà Nội vào Nam Định, Thanh Hóa, Vinh trước Tết những ngày cao điểm, giá vé vẫn bị tăng.

Riêng trong những ngày Tết (từ 28 đến mùng 2 Tết), ngành đường sắt hầu như chỉ cho chạy các mác tàu giá cao nhất là SE. Vì thế, khách đi tàu chủ yếu phải chi giá cao. Chị Nguyễn Nga (Gia Lâm, Hà Nội), một hành khách mua vé Tết về Vinh ngày mồng 1 Tết nói: “Giá vé xe khách giường nằm chỉ 200 nghìn, giá vé tàu gần 400.000 đồng. Thời khó khăn phải tiết kiệm từng đồng nên cả nhà tôi quyết định chuyển sang đi ô tô”.

Một điểm nữa thể hiện sự “tận thu” của ngành đường sắt trong dịp cao điểm đi lại Tết là một số tuyến, ngày đông khách, nhà tàu bán ghế phụ. Ghế phụ là ghế nhựa giống loại dùng uống trà đá ở vỉa hè. Khách tự đặt ở giữa lối đi ngoài hành lang hay bất cứ đâu trên tàu hỏa. Ghế phụ này có giá bằng 80% giá ghế loại thấp nhất trên tàu.

Không chỉ giá thành và cách bán vé, chất lượng dịch vụ của đường sắt đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của phương thức vận tải khác. Trong cuộc họp tổng kết năm 2013 của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam mới đây, Bộ trưởng GTVT nêu hàng loạt các yếu kém của ngành này như: Nhà ga, chất lượng toa tàu xuống cấp; nhà vệ sinh dưới đất, trên tàu hôi hám; chăn ga chưa sạch sẽ; thái độ phục vụ của nhân viên bán vé, phục vụ trên tàu thiếu niềm nở... Trong khi đó, hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ ngày càng nâng cao; giá vé máy bay ngày càng rẻ.

Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Trịnh Ngọc Thành mới đây cam kết năm 2014 không đổi mới thành công sẽ từ chức. Sự việc vé tàu Tết ế là sự thúc bách cụ thể nhất cho việc thực hiện lời hứa đó.

Thừa vé máy bay vì kinh tế khó khăn

Đại diện Hãng Hàng không VietJetAir cho biết, hiện còn 20% số vé trước Tết trên trục Hà Nội-TPHCM. Nguyên nhân được đưa ra là do kinh tế khó khăn, nhiều người không về quê ăn Tết. Jetstar Pacific cũng cho biết, tuyến TPHCM đi Đà Nẵng và Hà Nội chỉ mới hết vé ở các giờ bay đẹp (sau giờ bữa trưa, bữa tối); các giờ khác vẫn còn nhiều. Theo một chuyên gia hàng không, ngoài kinh tế khó khăn, các hãng hàng không tậu nhiều tàu bay mới dẫn tới nguồn cung tăng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.