Vì sao Bộ Công thương “mặc cả” tăng giá điện?

Để thuyết phục việc tăng giá điện là cần thiết, đại diện Bộ Công thương từng cho biết "giá điện không tăng EVN sẽ phá sản", "giá điện tăng mọi người đều được lợi"... nhưng người tiêu dùng, giới chuyên gia lại không đồng tình với việc tăng giá điện. 

Vì sao Bộ Công thương “mặc cả” tăng giá điện?

Ảnh minh họa.

Về phía người tiêu dùng, ngoài yếu tố tâm lý như muốn giá rẻ còn yếu tố quan trọng hơn, giá điện hiện được Tập đoàn Điện lực EVN gần như là người chơi duy nhất trên thị trường. 

Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa hết bức xúc với kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2013 liên quan đến việc EVN tính toán chi phí xây biệt thự, sân tennis... vào giá thành điện; việc lãnh đạo EVN nhận lương "khủng" và EVN chi tiền mua ô tô công sai quy định... 

Trong khi đó, một lãnh đạo EVN cũng từng thừa nhận không thể tính được giá thành điện do có sự phức tạp, do đó EVN chưa bao giờ thuyết phục được công luận về việc tính chi phí xây biệt thự, sân tennis... hay tỷ lệ thất thoát điện do quản lý kém là bao nhiêu. 

Về phía các chuyên gia, mới đây nhất Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 đã có những phát ngôn chính thức phản bác lý lẽ tăng giá điện từ Bộ Công thương. 

Theo ông Cung, vấn đề tăng giá điện, không phải tăng bao nhiêu mà do cách thức tăng giá.

Ông Cung nói: "Thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ Công thương đã bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN, Bộ bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN".

Trong khi Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, không tăng giá điện EVN sẽ phá sản, người đứng đầu CIEM lại đặt ra kịch bản "Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được chứ không phải kéo theo sự sụp đổ ngành điện".

Theo đó, ông Cung cho rằng, cách thức hợp lý trước mắt, đáng ra Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng. 

"Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá điện EVN phá sản và sụp đổ ngành điện", ông Cung nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Cung về trung hạn, phải tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. 

Bộ Công thương phải tách làm 3 trong đó có chính sách điện, sở hữu EVN và các đơn vị trực thuộc cơ quan điều tiết điện lực quốc gia, thành lập thị trường cạnh tranh về điện". 

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng cho biết, một trong số những nguyên nhân khiến người dân bức xúc với giá điện do giá được đưa ra bởi một Tập đoàn chưa giám sát độc lập, năng suất lao động thấp, tiêu hao điện năng còn cao... 

Mới đây, trong quyết định luân chuyển công tác cán bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của EVN đã rời ghế để quay lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương, điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự minh bạch trong hoạt động điều hành của Bộ Công thương với của EVN và giá điện.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo bizlive.vn
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.