Vì sao chuỗi nhà hàng Món Huế 'đột tử'

Chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt
Chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt
TPO - Câu chuyện chuỗi cửa hàng Món Huế đột ngột đóng cửa nhiều cửa hàng vì vỡ nợ mấy ngày vừa qua, nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ còn những chuỗi cửa hàng có nguy cơ đóng cửa như vậy.

Đến thời điểm hiện tại, vụ việc Công ty Món Huế có thể xem là vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống, tính từ 10 năm trở lại đây. Bởi, lĩnh vực này từng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cà phê, trà sữa… nở rộ rồi âm thầm giảm bớt quy mô hoặc đóng cửa, rời thị trường ngày càng nhiều nhưng chưa có vụ việc nào lớn đến như vậy. Một vài tài liệu cho thấy chỉ chuỗi Nhà hàng Món Huế tính đến cuối năm 2018 đã ghi nhận số lỗ cả trăm tỉ đồng.

Ten Ren là một thương hiệu trà sữa của Đài Loan do Công ty CP TMDV Trà Cà Phê Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi The Coffee House) nhận nhượng quyền tại Việt Nam. Trước thời điểm rời khỏi thị trường, chuỗi này có 23 cửa hàng tại TP.HCM và Đồng Nai.

Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Hải Ninh nhà sáng lập The Coffee House xác nhận toàn bộ 23 cửa hàng chuỗi trà sữa này sẽ đóng cửa, ngày hoạt động cuối cùng của các cửa hàng Ten Ren là 15/8.

Lý do được chủ sở hữu chuỗi trà sữa này đưa ra là mô hình kinh doanh của Ten Ren chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng.

Tương tự, nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn và cà phê từng mở tại Việt Nam với hàng chục cửa hàng nhưng cũng phải rời bỏ thị trường vì làm ăn thua lỗ như chuỗi cà phê New York Dessert Café - NYDC; Gloria Jean’s Coffee; Coffee Bar...

Trước sự ra đi của hàng loạt chuỗi cửa hàng ăn uống đình đám, giới chuyên gia cho rằng các nhà hàng chuỗi đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh từ các nhà hàng riêng lẻ, từ các cửa hàng tiện lợi và tạp hóa cung cấp đồ ăn liền. Chưa kể, còn có những nguyên nhân chủ quan khác từ bản thân doanh nghiệp.

Ghi nhận nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội, cho rằng việc Món Huế đóng cửa dễ hiểu. Món ăn không đặc biệt trong khi giá lại không bình dân, chiếm vị trí đắc địa nên chi phí cao, đi kèm vấn đề “thổi phồng” thương hiệu, nhượng quyền tràn lan nên chuyện đóng cửa là tất yếu.

Trên thực tế, điều mà chuỗi nhà hàng ăn uống đau đầu đầu tiên là vị trí và giá thuê mặt bằng. Món Huế nói riêng và các thương hiệu nhà hàng ăn uống nói chung thường chọn các mặt bằng đắc địa tại trung tâm thành phố, hoặc nằm trong các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, chi phí mặt bằng bán lẻ lại Việt Nam lại đang có xu hướng tăng cao.

Bà Đặng Thanh Thủy, chuyên gia Marketing cho chuỗi nhà hàng tại Hà Nội với 4 brand (thương hiệu) phân tích, Món Huế đã giành chiến thắng thời gian đầu bằng mở rộng quy mô, một chiến lược khá phù hợp để xây dựng chuỗi nhà hàng. Nhưng tốc độ tăng trưởng quá nóng dẫn đến chính các nhà hàng này cạnh tranh nhau để tồn tại.

Đó là chưa kể Món Huế phải cạnh tranh với các đối thủ khác trong bối cảnh giá bán ngày càng giảm khiến sức ép lên lợi nhuận gia tăng và chi phí mua nguyên liệu, trả lương nhân công tăng cao. Đấy là những dấu hiệu cho thấy rạn nứt đầu tiên của mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh, người kinh doanh nhà hàng phải tương tác nhanh với xu thế mới để thỏa mãn nhu cầu của khách, nghĩa là phải luôn tươi mới trong mắt khách hàng. Đáng tiếc là Món Huế không bắt kịp và thích nghi được với xu hướng tiêu dùng mới. Nói cách khác, sức hấp dẫn ẩm thực của Món Huế đã nhạt dần so với xu hướng mới nổi khác nên không thể cạnh tranh được với các đối thủ khác.

Bà Thủy cũng cho rằng, câu chuyện Món Huế là hồi chuông cảnh báo cho nhiều doanh nghiệp với các chuỗi nhà hàng khác nữa. Và cái khó nhất của việc quản lý chuỗi nhà hàng đó là tạo ra giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp, truyền cảm hứng cho nhân viên cấp thấp nhất để họ có cách hành xử như cửa hàng đó là cửa hàng của mình.

Công ty Huy Việt Nam Group Limited có các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.

Kể từ năm 2013 đến nay, nhóm các nhà đầu tư đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

Ngày 2/10, thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.

Tính đến cuối ngày 22/10, số tiền Món Huế và chuỗi thương hiệu của Huy Việt Nam nợ được 44 nhà cung cấp thống kê đã lên hơn 30 tỷ đồng, từ thực phẩm đến các dịch vụ, thiết bị.

Trong hai ngày 21-22/10, hàng chục nhà cung cấp đã tìm đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam, chủ thương hiệu Món Huế trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) để yêu cầu Công ty này thanh toán các khoản nợ tiền hàng.

Nhân viên tại nhiều chi nhánh Món Huế, Phở Ông Hùng, TP Tea... cho biết chưa được thanh toán 70% lương tháng 9 và tháng 10 trong khi cửa hàng đã đóng cửa.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.