Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ì ạch?

Nhiều DN bất động sản nhăm nhe “đất vàng” khi DNNN cổ phần hóa Ảnh: TP
Nhiều DN bất động sản nhăm nhe “đất vàng” khi DNNN cổ phần hóa Ảnh: TP
TP - Ngày 24/11, tại hội thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), chỉ ra những bất cập, vướng mắc sau nhiều năm thực hiện chủ trương này. 

Theo ông Tiên, những vướng mắc về thể chế còn chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình còn nhiều bất cập. Tình trạng quản lý, sử dụng đất còn lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên dẫn chứng, chỉ qua 16 doanh nghiệp, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng tới 15.447,68 tỷ đồng. Hay khi bắt tay vào kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước với 45 doanh nghiệp sau cổ phần, KTNN phát hiện nhiều vi phạm, đồng thời xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 1.576 tỷ đồng. Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải rõ thực trạng, từ đó có những giải pháp ngăn chặn tình trạng “lợi ích nhóm”, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển của doanh nghiệp.

 Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 7 đơn vị được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Như vậy, giai đoạn từ 2016 đến tháng 9/2020 đã có 178 doanh nghiệp được phê duyệt với tổng giá trị 443.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa còn chậm, đến nay mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Đặc biệt, các “ông lớn” như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Agribank...hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp.

 Trước thực trạng trên, theo ông Long, cần sớm sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật để doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Đồng thời chấm dứt việc cơ quan nhà nước quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra cần thu hẹp diện doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ giữ mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài. Với KTNN, không nên quá chú trọng vào kiểm toán giá trị doanh nghiệp mà nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa.

 Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng ì ạch cổ phần hóa vẫn xoay quanh những bất cập về đất đai. Nhiều doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa đang sở hữu quỹ đất lớn, nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành. Trong khi đó, các đại gia bất động sản muốn thâu tóm quỹ đất này, đặc biệt các khu “đất vàng, đất kim cương”.

MỚI - NÓNG