Vì sao doanh nghiệp trả lại tuyến xe buýt?

Hành khách trên tuyến buýt 72. Ảnh: T.Đảng
Hành khách trên tuyến buýt 72. Ảnh: T.Đảng
TP - Với lý do thành phố mở rộng đối tượng được miễn phí xe buýt làm doanh thu của doanh nghiệp (DN) giảm, đơn vị chủ quản tuyến buýt có trợ giá số 72 vừa có văn bản “cầu cứu” đến UBND TP Hà Nội. Doanh nghiệp này cho biết, nếu đề nghị của họ không được giải quyết thì từ 15/7 sẽ dừng hoạt động tuyến.

Vé miễn phí làm giảm mạnh doanh thu

Văn bản số 50/CV-Cty do ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Cty CP ô tô vận tải Hà Tây (Cty Vận tải Hà Tây) - chủ quản của tuyến buýt số 72, lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai gửi lãnh đạo UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 1/9/2019 thực hiện mở rộng đối tượng được sử dụng xe buýt miễn phí cho người cao tuổi, việc này đã làm tăng đột biến số lượng hành khách sử dụng xe buýt miễn phí. “Đây là nhóm hành khách vốn trước đây đang sử dụng vé lượt hoặc vé tháng ưu tiên (vé có giảm giá - PV), nay chuyển sang dùng xe miễn phí và làm giảm mạnh doanh thu của Cty”, lãnh đạo Cty Vận tải Hà Tây nêu.

Ngày 10/3/2020, Cty có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh doanh thu trợ giá cho tuyến buýt 72, sau đó UBND thành phố có ý kiến yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tham mưu theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến ngày 29/6/2020, Sở GTVT Hà Nội có văn bản phúc đáp công văn của Cty Vận tải Hà Tây nhưng không xét đến đề nghị cụ thể nội dung trên.

Vì vậy, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký, bằng văn bản trên, Cty Vận tải Hà Tây đề nghị UBND thành phố, Sở GTVT Hà Nội xem xét và có ý kiến cụ thể. “Nếu đến ngày 15/7, quý cơ quan không có ý kiến chính thức bằng văn bản về thời hạn cũng như hướng giải quyết, Cty chúng tôi buộc phải tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng trên tuyến buýt số 72”, lãnh đạo Cty Vận tải Hà Tây khẳng định.

Sáng 14/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, vẫn đang chờ hướng giải quyết của Sở GTVT Hà Nội. Với các lượt xe buýt chạy trên tuyến theo hợp đồng, đến ngày 14/7 vẫn hoạt động bình thường.

“Chỉ thay thế doanh nghiệp, tuyến buýt 72 không dừng”

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 14/7, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong những ngày qua, đại diện Sở GTVT là Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Tramoc) đã làm việc với Cty Vận tải Hà Tây. Qua đó, đại diện Sở GTVT nêu rõ các nội dung: Việc giảm sản lượng và doanh thu của xe buýt thời thời gian qua là tình trạng chung của toàn mạng (gồm 104 tuyến buýt có trợ giá), không riêng gì của tuyến buýt số 72.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã nắm bắt tình hình và chỉ đạo khảo sát, đánh giá để báo cáo thành phố có kế hoạch điều chỉnh doanh thu theo hướng sẽ tăng trợ giá cho doanh nghiệp (DN) trên toàn mạng lưới, trong đó có tuyến buýt số 72. “Việc này được triển khai trước khi Cty Vận tải Hà Tây có văn bản trên chứ không phải DN có ý kiến rồi Sở GTVT mới thực hiện”, lãnh đạo Trung tâm Tramoc nói.

Đề cập việc thành phố mở rộng đối tượng sử dụng vé miễn phí làm giảm doanh thu của DN, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, đây là chính sách xã hội và mang tính nhân văn cao, sau gần 1 năm áp dụng tính đến nay đã có trên 330 ngàn thẻ đi xe buýt miễn phí được cấp cho hành khách từ 60 tuổi trở lên. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đầu năm nay khiến xe buýt phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động trên 1 tháng, làm sản lượng, doanh thu 6 tháng đầu năm giảm từ 29% đến 42%. Việc giảm sản lượng, doanh thu đã tạo gánh nặng ngân sách cho thành phố nhưng đến nay các DN trong đó có Cty Vận tải Hà Tây vẫn được thành phố thanh toán đúng hạn, đầy đủ theo hợp đồng.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội thanh toán tạm ứng cho tất cả 104 tuyến buýt có trợ giá, trong đó có tuyến 72 khoảng 30% giá trị hợp đồng năm. Tiếp đó, sau nghiệm thu hàng quý, các DN tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng. “Đây là giải pháp linh động của thành phố mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được”, đại diện Sở GTVT Hà Nội đánh giá.

Cho ý kiến về hoạt động của tuyến buýt số 72, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua khảo sát thấy rằng: tuyến 72 là một trong những tuyến có lượng khách đông. “Do vậy, trong trường hợp vì lý do nào đó Cty Vận tải Hà Tây không đủ điều kiện tài chính để duy trì hoạt động, Sở GTVT sẽ hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục theo quy định và bố trí đơn vị khác thay thế vận hành, đảm bảo đi lại của hành khách, hoàn toàn không có chuyện tuyến buýt 72 dừng hoạt động từ ngày 15/7”, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định.

Không để DN thấp thỏm về doanh thu

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thực trạng DN vận tải buýt gặp khó khăn trong hoạt động là có thật, nhất là lượng người sử dụng vé miễn phí đang tăng và đợt dịch Covid-19 vừa qua. Hơn nữa, cách tính trợ giá của thành phố đang duy trì từ cả chục năm nay. Với DN có nhiều tuyến buýt, hoạt động trên các lĩnh vực vận tải sẽ có sự phân bổ, điều tiết thu - chi cho phù hợp, nhưng với DN chỉ có 1 đến 2 tuyến buýt sẽ gặp khó khăn khi doanh thu trực tiếp từ bán vé sụt giảm.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng cho biết, từ thực tế của đơn vị quản lý tuyến buýt số 72, để có giải pháp bền vững, giúp DN vận tải buýt yên tâm hoạt động và buýt trở thành loại hình chủ công trong việc giảm xe cá nhân thì cách tính trợ giá của thành phố cần sớm điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Cùng với đó, thành phố cũng phải thay đổi cách quản lý, điều hành các tuyến buýt theo hướng chuyên nghiệp mà các nước trên thế giới đang áp dụng, đó là là tách bạch giữa doanh thu và vận tải.

Cụ thể, thành phố đưa ra bộ tiêu chí về hoạt động tuyến buýt để DN đăng ký tham gia, khi trúng thầu tuyến DN chỉ tập trung hoạt động cho thật tốt. Với việc bán vé, thu tiền (doanh thu) cần giao cho một đơn vị độc lập đảm nhiệm. “Mô hình này, giúp DN vận tải buýt không phải vừa vận hành tuyến vừa lo thu tiền, càng không phải quan tâm đến số lượng hành khách ít hay nhiều, doanh thu tháng này giảm hay tăng”, ông Thông nói.

Tuyến buýt số 72 lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai dài 20 km được TP Hà Nội đưa vào hoạt động năm 2016. Đây là 1 trong 104 tuyến buýt có trợ giá từ ngân sách TP Hà Nội. Đơn vị được giao vận hành tuyến là Cty CP ô tô vận tải Hà Tây quản lý, vận hành. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, Cty CP ô tô vận tải Hà Tây hiện chỉ vận hành duy nhất một tuyến buýt có trợ giá số 72. Hiện tại, mỗi ngày tuyến buýt có 110 lượt xe, chở là 7.779 lượt khách/ngày - được đánh giá là tuyến có đông hành khách.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.