Vì sao doanh thu của Adidas Việt Nam lớn nhưng vẫn lỗ?

Adidas thua lỗ thường xuyên ở Việt Nam
Adidas thua lỗ thường xuyên ở Việt Nam
Sau khi đặt chân tới Việt Nam, Adidas đã mở tới 50 cửa hàng từ Bắc vào Nam và tính tới đầu năm 2012, Adidas đã thu về khoảng 1 tỷ USD. Thế nhưng Adidas thường xuyên báo lỗ với lý do 'doanh thu không bù đắp nổi chi phí'. Vậy, Adidas chi phí những gì cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam?

Doanh thu lớn vẫn lỗ

Là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, Adidas tham gia thị trường dụng cụ thể thao Việt Nam từ rất lâu. Năm 1993, Adidas đã có mặt tại Việt Nam nhưng phải đến năm 2009 Adidas mới chính thức thành lập Công ty Adidas Việt Nam, được sở hữu 100% vốn bởi Adidas International B.V (Amsterdam, Hà Lan).

Adidas phát triển nhanh và mạnh tại thị trường Việt Nam. Chỉ sau 2 năm hoạt động chính thức, Adidas đã mở tổng cộng 50 cửa hàng tại các thành phố lớn, trải dài từ Bắc vào Nam. Adidas hiện đang có khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Adidas không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tính tới đầu năm 2012, Adidas đã thu về 22.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Tuy nhiên, ở Adidas, doanh thu cao không có nghĩa lợi nhuận lớn. Cũng giống Starbucks, Coca Cola hay Pepsi, Adidas thường xuyên báo lỗ với lý do doanh thu không bù đắp nổi chi phí.

Là một “ông lớn” nhưng thua lỗ thường xuyên nên năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế Tp.HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra. Adidas bị nghi ngờ gian lận thuế nhờ giao dịch liên kết. Kết quả thanh tra không khẳng định Adidas trốn thuế nhưng cho thấy công ty này có rất nhiều khoản chi phí bất hợp lý được trả cho các đối tác là những đơn vị có giao dịch liên kết với Adidas Việt Nam.

Các khoản chi phí bất hợp lý bao gồm chi phí tiếp thị quốc tế, chi phí quản lý, chi phí mua hàng, chi phí bản quyền. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí tiếp thị quốc tế.

Theo đó, công ty mẹ (Adidas AG) thuê người nổi tiếng chụp hình quảng cáo cho sản phẩm. Các tấm hình quảng cáo này khi được treo tại cửa hàng của Adidas Việt Nam thì phải trả tiền cho công ty mẹ bằng 4% doanh thu ròng của sản phẩm.

Chi phí quản lý vô lý cũng được áp dụng tại Adidas Việt Nam. Adidas Việt Nam không chỉ phải trả thù lao cho quản lý tại Việt Nam mà còn phải trả cho quản lý vùng tại Singapore và Adidas Đức.

Chi phí mua hàng cũng là khoản chi khá nghịch lý. Dù có đầy đủ tư cách để nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài nhưng Adidas Việt Nam lại phải thuê đối tác khác là Adidas International Trading B.V thay mặt Adidas Việt Nam thực hiện các dịch vụ liên quan đến mua hàng hóa. Adidas Việt Nam trả cho đối tác 8,25% giá trị mỗi giao dịch.

Chi phí bản quyền cũng là vấn đề cần phải bàn khi dù không phải là nhà sản xuất nhưng tại Adidas Việt Nam lại phát sinh khoản tiền bản quyền bằng 6% doanh thu ròng của sản phẩm.

Thực tế, ngành nghề chính của Adidas Việt Nam là thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn giày thể thao, quần áo thể thao... nhưng doanh nghiệp này còn phát sinh khoản chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ. Chi phí này được hạch toán vào chi phí bán hàng.

Mỗi khoản phí nêu trên hằng năm ngốn của Adidas Việt Nam số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm nên khách hàng Việt Nam phải mua sản phẩm với mức giá bị đội lên nhiều lần.

Quan trọng không kém, động thái gia tăng chi phí sản phẩm của Adidas đã mang lại những khoản thua lỗ cho công ty này. Và như vậy, ngân sách nhà nước đã bị thất thu vì lợi nhuận được chuyển lòng vòng qua các đối tác rồi chảy về túi công ty mẹ của Adidas.

“Nếu không có giao dịch liên kết thì số lãi của Adidas Việt Nam sẽ rất khủng vì giá bán sản phẩm Adidas tại thị trường Việt Nam gấp ba lần giá vốn” - đại diện Phòng thanh tra 1 (Bộ Tài chính) cho biết.

2012 không phải là năm đầu tiên Adidas bị Cục thuế “hỏi thăm”, trước đó, năm 2009-2010, cơ quan thuế cũng đã kiểm tra Adidas và kết luận Adidas không bị phạt khoản thuế quan trọng nào dù thua lỗ triền miên.

Đại diện Adidas Việt Nam cho biết trong năm 2011 và 2012, Adidas Việt Nam đã đạt được những mức lợi nhuận hợp lý, đã và sẽ đóng thuế thu nhập tích lũy trên lợi nhuận này.

Ngay sau đó, Cục Thuế Tp.HCM cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ các nghi vấn liên kết của Adidas vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc này.

Lỗ vẫn chọn Việt Nam

Không ồn ào như Coca Cola nhưng Adidas cũng có động thái gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Giữa năm 2012, thời điểm Adidas đang gánh chịu khoản lỗ lũy kế không hề nhỏ song hãng này vẫn cho thấy tham vọng tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Bằng chứng là Adidas đổ nhiều tiền để đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống phân phối. Adidas khiến người tiêu dùng Việt xuýt xoa khi thuê trọn 1.035 m2 diện tích văn phòng tại tầng 22 và 265m2 mặt bằng bán lẻ của tháp Financial Tower Bitexco (Tp.HCM) để làm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm.

Tại thời điểm đó, ông Ryan Hart, Giám đốc Adidas Việt Nam, cho biết đây là cửa hàng thứ 50 và “có không gian lớn và độc đáo nhất của Adidas tại Việt Nam và tập hợp tất cả các thương hiệu của Adidas dưới một mái nhà gồm Sports Performance, Originals và Adidas Golf và Taylor Made”.

Như vậy có thể thấy, thị trường Việt Nam hấp dẫn như thế nào với Adidas dù lãnh đạo Adidas khá kiệm lời khi đánh giá tiềm năng của thị trường.

Từ đầu năm 2014, thị trường Việt Nam càng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình khi Adidas và nhiều đối thủ khác có xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo ước tính của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), tỷ lệ chuyển dịch hiện là 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì sao doanh thu của Adidas Việt Nam lớn nhưng vẫn lỗ? ảnh 1

Thua lỗ nhiều nhưng Adidas vẫn tiếp tục chọn Việt Nam  là thị trường mở rộng đầu tư

Riêng nửa đầu năm 2014, cùng với Nike và Puma, Adidas đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam.

Adidas và nhiều hãng thời trang khác chọn Việt Nam vì Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là ổn định về chính trị, lao động, chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, sự gia tăng các chi phí về lao động, môi trường… tại Trung Quốc khiến nhiều “ông lớn” phải ra đi.

Cụ thể, chi phí nhân công ở Việt Nam là 0,8 USD/giờ, trong khi Trung Quốc là 1,9 USD, Indonesia 1,75 USD, Thái Lan 1,32 USD…

Bên cạnh đó, việc tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng góp phần tạo dòng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, để tận dụng các ưu đãi về thuế quan.

Theo Bảo Linh

Theo VTC News
MỚI - NÓNG