Vì sao giá vàng trong nước cao hơn thế giới?

Vì sao giá vàng trong nước cao hơn thế giới?
Trong ngày 6-10, giá vàng thế giới giảm còn 1,1 triệu đồng/chỉ nhưng người dân vẫn phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới 50.000 đồng/chỉ. Vì sao?

Các công ty kinh doanh vàng cho biết không thiếu vàng, chưa bao giờ họ nhập nhiều vàng như những tháng qua nhưng vẫn không có vàng để bán.

Trên thị trường có nhiều thương hiệu vàng nhưng người dân chỉ chọn mua vàng SJC, vì thế các công ty có nhập vàng cũng phải đưa đến cho Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn (SJC) gia công ra vàng SJC mới tiêu thụ được.

Theo các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, do bị “mắc cổ chai” ở SJC, vì thế các công ty không thể bán vàng theo giá thế giới. Một công ty cho biết mặc dù đã làm hết cách nhưng vẫn phải xếp hàng chờ ở SJC.

Có những lô hàng phải chờ đến hai tháng sau mới lấy được vàng. Với thời gian chờ đợi này, cơ hội kinh doanh hoặc bán vàng giá rẻ đã không còn nữa. Trong đó, DN phải cộng thêm tiền lãi vay ngân hàng cho số vàng phải nằm kho chờ gia công gần hai tháng trời.

Một DN vàng có nhiều cửa hàng ấm ức, mỗi ngày chỉ được SJC “rót” khoảng trăm lượng vàng, không đủ cho một cửa hàng bán trong ngày.

Theo nhiều công ty kinh doanh vàng, tình hình này diễn ra đã lâu, đặc biệt “nóng” kể từ tháng năm đến nay, nhưng SJC chưa khắc phục. Về phía SJC thì cho rằng đã chạy hết công suất và rất chặt chẽ trong việc phân bổ lượng vàng gia công cho các khách hàng.

Nhiều DN cũng than phiền rằng do luôn bị giá vàng SJC “định hướng”, họ không thể định được giá vàng mang thương hiệu của mình mà luôn phải nương theo giá vàng SJC, vì vậy người dân cũng bị mất cơ hội mua vàng giá rẻ.

Có công ty đưa ra phương án bán vàng mang thương hiệu của đơn vị theo giá thế giới, rẻ hơn giá vàng SJC, nhưng không thực hiện được vì người tiêu dùng cho rằng giá rẻ là... có vấn đề.

Lấn cấn “thỏi”, “hạt”

Các công ty đang tìm cách phá thế “cổ chai” trong kinh doanh vàng để đưa giá vàng về mức hợp lý.

Một số ngân hàng thương mại đã đưa ra phương án bán vàng theo giá thế giới với điều kiện người dân phải thỏa thuận chỉ nhận vàng miếng SJC sau một thời gian được bên bán và bên mua thống nhất, một hình thức kéo dài thời gian “xếp hàng” nhưng có lợi cho người mua.

Giải pháp mà nhiều đơn vị đang tính đến đó là nhập vàng thỏi để đáp ứng nhu cầu mua vàng của những người thanh toán hoặc cất giữ với số lượng lớn.

Một DN tính toán thay vì mua hàng trăm lượng vàng miếng SJC với giá cao, người dân có thể mua vàng thỏi và các công ty có thể bán theo sát giá thế giới. Có nhiều thuận lợi để thực hiện giải pháp này vì Bộ Tài chính vừa giảm thuế nhập khẩu vàng thỏi ngang với vàng hạt.

Thế nhưng giải pháp này cũng đang bị vướng về thủ tục. Các DN cho biết trong giấy phép nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước ghi là nhập vàng nguyên liệu. Thời gian qua, vàng nguyên liệu được nhập về đều dưới dạng hạt. Nay các đơn vị muốn nhập vàng thỏi thì hải quan trả lời là không đúng với giấy phép, chỉ giải quyết cho nhập vàng hạt, vì vàng thỏi là vàng tiêu chuẩn quốc tế!?

Những lấn cấn này cũng đang làm đau đầu các nhà kinh doanh vàng vì có nguy cơ không còn... vàng để mà mua. Do hải quan chỉ cho nhập vàng hạt, nhu cầu nhập vàng trong thời gian gần đây tăng mạnh nên các nhà cung cấp vàng trong khu vực không còn hàng để bán.

Điều trớ trêu là để có vàng hạt bán cho các DN VN, các nhà cung cấp vàng nước ngoài phải nấu chảy vàng thỏi ra thành vàng hạt và vì thế giá vàng hạt luôn cao hơn giá vàng thỏi. Đây cũng là một lý do đẩy giá vàng trong nước lên cao.           

Ngày 6-10 giá vàng tăng nhẹ trở lại sau khi giảm xuống mức 563 USD/ounce trong ngày 4 và 5-10, thấp nhất từ bốn tháng qua, do các nhà chế tác vàng tranh thủ giá vàng rẻ đã mua vào.

Trước đó, giá vàng thế giới đã làm nhiều người “lên ruột” khi tăng gần 30 USD/ounce, từ mức 570 USD/ounce. Ở thời điểm đó, nhiều dự báo cho rằng nếu giá vàng thế giới phá vỡ mức 600 USD/ounce thì sẽ bắt đầu đợt tăng giá mới.

Theo các nhà phân tích, giá vàng thế giới phá vỡ mức “cản dưới” 570 USD/ounce sẽ mở đầu cho đợt giảm tiếp theo của giá vàng. Có thể giá vàng sẽ không giảm nhiều nhưng theo dự báo, khả năng giá giảm xuống mức 550 USD/ounce (1,06 triệu đồng/chỉ) chỉ còn là vấn đề thời gian.

Các dự báo cũng cho thấy có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng trở lại (như sự kiện CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử vũ khí hạt nhân, các nhà chế tác nữ trang đẩy mạnh mua vào, OPEC cắt giảm sản lượng dầu...) nhưng cũng khó kéo giá vàng tăng mạnh trở lại. Đặc biệt, giá vàng đang lệ thuộc rất nhiều vào giá dầu, trong khi giá dầu đang trong xu hướng giảm dần.

Giá dầu giảm đẩy giá chứng khoán tăng lại, các nhà đầu tư đã tính toán lại “rổ” tài sản của mình, giảm bớt giữ vàng, chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu vốn đang tạo ra lợi nhuận rất lớn. Vì vậy, các nhà phân tích dự báo sức ép giảm giá còn đè nặng lên vàng nếu giá chứng khoán tiếp tục hồi phục và giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng giảm.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG