Vì sao một số ngân hàng tăng lãi suất huy động?

Lãi suất huy động VND tại các ngân hàng nhỏ đang tăng
Lãi suất huy động VND tại các ngân hàng nhỏ đang tăng
TP - Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng sau động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấm nới room tín dụng. Vì sao lại có nghịch lý này trong khi thanh khoản hệ thống vẫn được đánh giá rất dồi dào?

Tăng mạnh

Sáng 27/8, tại phòng giao dịch của MaritimeBank trên phố Quang Trung, các nhân viên niềm nở khi thấy khách hàng xuất hiện. Theo giới thiệu tại biểu lãi suất, các kỳ hạn 1-2-3 tháng vẫn có xu hướng giữ nguyên (từ 5,1 đến 5,35%/năm); còn 6 tháng đặc biệt lĩnh lãi cuối kỳ sẽ đi kèm nhiều sản phẩm mà nếu cộng cả lên hơn 7%. Mức tăng này của MaritimeBank thực ra đã “nhỉnh” hơn so với mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng khác, đặc biệt khối ngân hàng quốc doanh.

Thống kê chung trên thị trường ngân hàng từ đầu tháng 8 đến nay cho thấy, xu hướng lãi suất tiền đồng 6 tháng cuối năm đang có xu hướng nhích nhẹ. Trong khi nhóm ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank và BIDV chỉ huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng ở mức dưới 4,6%/năm thì mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ hơn (như ABBANK, ACB, HDBank, MaritimeBank hay NCB…) đã lên tới 5,5%/năm.

Soi kỹ hơn có thể thấy: đối với kỳ hạn 6-12 tháng, TPBank hiện là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất, lên tới 8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. VIB có mức lãi suất 7,9%/năm. Dù là ngân hàng nhỏ, NCB hiện cũng niêm yết mức lãi suất tiền gửi 6-12 tháng lên tới 7,2-7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn này trên 7% mỗi năm là BacABank, Baovietbank, SCB… đều quanh ngưỡng 7,6-7,8%/năm. Đặc biệt, với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng sẵn sàng mời gọi mức lãi suất cao trên 8% với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Số liệu cập nhật từ NHNN, trong phiên giao dịch ngày 23/8, các ngân hàng tiếp tục phải vay mượn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường 2. Cụ thể, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ở mức 4,62%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 4,75%/năm và 2 tuần là 4,67%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lần lượt là 4,72% và 4,87%/năm. Các giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 90% tổng giao dịch.

Trước đó trong ngày 22/8 lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần dao động từ 4,59% đến 4,74%/năm và khối lượng giao dịch cũng tập trung vào 3 kỳ hạn này. Với các mức lãi suất như trên, ngân hàng rõ ràng đang phải “giật nóng” tiền của nhau với lãi suất cao hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ dân cư của nhiều ngân hàng.

Tăng do “mùa vụ”?

Lý giải cho hiện tượng lãi suất liên ngân hàng vọt tăng, các chuyên gia cho hay, có thể do căng thẳng thanh khoản tạm thời của một số ngân hàng không huy động được từ dân cư đủ dùng nên phải chấp nhận mượn của các tổ chức tín dụng khác với chi phí đắt đỏ. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá cũng có thể khiến người dân rút tiền tiết kiệm chuyển sang trữ USD tạo áp lực lên thanh khoản ngân hàng.

Ngoài ra, một số ngân hàng đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn do trong 7 tháng qua (tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn, khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%). Điều này khiến các ngân hàng đó rất cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng và chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngắn hạn cuối năm.

Dù vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động VND thời điểm này chỉ mang tính cục bộ và nếu có tăng chủ yếu chỉ ở kỳ hạn trung và dài hạn. “Còn mấy tháng nữa tỷ lệ dùng vốn cho vay trung và dài hạn rút từ 45% xuống 40% nên để tuân thủ quy định đó các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất nhưng chủ yếu ở kỳ hạn dài. Còn kỳ hạn ngắn nếu có chỉ xảy ra đơn lẻ tại một số ngân hàng cần vốn”, ông Hiếu nói.

MỚI - NÓNG