Vì sao ngành nông – lâm – thủy ở ĐBSCL lại tăng trưởng âm?

TPO - Sáng 1/8 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh.   

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng giảm chung như cả nước.

Trong đó, quý II tăng trưởng âm 0,74% (cả nước ước đạt tăng trưởng 0,36%). GDP 6 tháng đầu năm của vùng đạt 1,2%, chỉ cao hơn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thấp hơn 4 vùng còn lại và thấp hơn bình quân cả nước (ước đạt tăng trưởng 1,81%).

Có 8/13 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng dương, trong đó có 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là Trà Vinh (3,35%), Đồng Tháp (3,41%), Kiên Giang (3,33%), Bạc Liêu (2,05%) và An Giang (1,96%). Còn 5 địa phương tăng trưởng âm là Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau.

Đáng chú ý, GRDP ngành công nghiệp – xây dựng có sự tăng trưởng tích cực khi tăng 6,5% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân cả nước (2,98%), trong khi ngành nông – lâm – thủy sản được xem là thế mạnh của vùng lại tăng trưởng âm 0,49%, nguyên nhân do tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch COVID-19. Đây cũng là vùng duy nhất trên cả nước tăng trưởng âm ở khu vực nông – lâm – thủy sản.

Vì sao ngành nông – lâm – thủy ở ĐBSCL lại tăng trưởng âm? ảnh 1 Quanh cảnh buổi làm việc. Ảnh: AK

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của ngành, vẫn có một số yếu tố tích cực như ngành nông nghiệp đã dự báo sớm, chủ động ứng phó với hạn mặn ngay từ đầu vụ, điều chỉnh thời vụ gieo cấy sớm hơn từ 10-30 ngày, chủ động chuyển đổi hoặc cắt giảm diện tích có nguy cơ rủi ro cao, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, ngăn mặn trữ ngọt hiệu quả…

Kết quả, toàn vùng xuống giống khoảng hơn 1,54 triệu ha, giảm 58 nghìn ha nhưng năng suất đạt 68,4 tạ/ha nên sản lượng chỉ giảm 300 nghìn tấn, ước đạt trên 10,5 triệu tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 0,6% so với cùng kỳ, tình hình tiêu thụ nông sản (lúa) tốt hơn so với cùng kỳ…

Mặc dù một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhưng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 64.431 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ, trong khi cả nước chỉ thu bằng 43,9% dự toán năm và giảm 11,1% so với cùng kỳ. Một số địa phương có tốc độ thu nội địa khá so với dự toán như An Giang (61%), Cà Mau (59%), Kiên Giang (58%) hay Sóc Trăng (59%).

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/6, toàn vùng (13 tỉnh, thành) đã giải ngân trên 19.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (33,9%), nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước khối địa phương (35,5%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (35,89%). Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 39,36%, thấp hơn cả nước (41%); ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 33%, cao hơn cả nước (30,2%)…

Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân, có 7 tỉnh trong vùng đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, gồm: Tiền Giang (77,3%), Sóc Trăng (39,2%), An Giang (39,1%), Cà Mau (37,9%), Long An (37,1%) và Bến Tre (34,5%). Riêng Tiền Giang tính đến ngày 15/7 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đang đặt ra càng nặng nề hơn với cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Thủ tướng mong muốn, ĐBSCL với 20 triệu dân, vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và chăm lo đời sống nhân dân. “Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép. Đây là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản, là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước, nếu cả nước phát triển mà vùng ĐBSCL không phát triển hay phát triển chậm hơn thì sẽ là trách nhiệm rất lớn của chúng ta” – Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần nêu rõ các nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh cần tháo gỡ, đề xuất thêm cho vùng có cơ chế, chính sách nào đột phá, nhất là thủ tục đầu tư, tài chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL nhiều hơn. Cần chuẩn bị sẵn điều kiện gì để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh trong vùng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu vấn đề, tại sao ở ĐBSCL có tỉnh giải ngân tốt nhưng có tỉnh lại giải ngân chậm. “Có tiền đó mà không giải ngân được thì làm sao tăng trưởng được, có tiền đó mà không có công trình, dự án, cứ lúng túng việc này việc khác. Chúng ta không thể để một lượng vốn nằm như vậy mãi” – Thủ tướng nói, đồng thời lưu ý rằng, công việc từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cả yêu cầu về chống dịch và phát triển, bảo đảm việc làm, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân…

MỚI - NÓNG