Vì sao nói Việt Nam hưởng lợi nhiều từ TPP

Vì sao nói Việt Nam hưởng lợi nhiều từ TPP
TPO - Đàm phán TPP kết thúc mở ra cục diện mới cho Việt Nam trong thập kỷ tới – Đó là nhận định của Công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) tại bản thông cáo báo chí  vừa công bố chiều 6/10. Tiền Phong xin thông tin chi tiết để bạn đọc tham khảo.

TPP chưa có hiệu lực ít nhất 6 tháng nữa

Trong thông tin phát đi, HSC cho biết: TPP cuối cùng đã đạt được thỏa thuận sau thời gian dài đàm phán. Bước tiếp theo là thảo văn bản; xử lý những vấn đề còn lại và lập văn bản cuối cùng để tất cả các quốc gia thống nhất.

Theo đó thỏa thuận mà các phương tiện truyền thông đưa tin đã được ký trên thực tế chỉ là văn bản tạm thời; và thiếu chi tiết về nhiều vấn đề. Và khi văn bản cuối cùng cho TPP được thống nhất thì nội dung sẽ được công bố công khai.

HSC cũng nhấn mạnh, quá trình thông qua TPP tại cơ quan lập pháp các nước sẽ mất ít nhất nửa năm – bước tiếp theo là TPP sẽ được cơ quan lập pháp các nước thảo luận và bỏ phiếu. Thời gian thực hiện sẽ tùy thuộc từng nước nhưng nhiều khả năng quá trình này sẽ mất 6-9 tháng.Trong trường hợp của Mỹ sẽ mất 90 ngày kể từ khi TPP được ký đến khi được trình trước Quốc hội để bỏ phiếu.Nghĩa là khoảng Q2 năm sau.Trong trường hợp của Việt Nam thời gian còn dài hơn vì Quốc hội chỉ họp 2 lần 1 năm.Và lần họp tới nhiều khả năng diễn ra vào tháng 5/2016 (trên thực tế vẫn có khả năng TPP được trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới diễn ra vào tháng 10 nhưng điều này là không chắc chắn).

Ngoài ra, TPP sẽ chưa có hiệu lực ít nhất là trước 6 tháng cuối năm 2016 và có thể sẽ còn muộn hơn – Giả sử mọi việc tiến triển thuận lợi, thì có khả năng TPP sẽ được Quốc hội các nước thông qua và có hiệu lực trong 6 tháng cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Theo đó, tác động thực sự từ việc giảm thuế hoặc tăng hạn ngạch có lẽ sẽ phải đợi đến giờ này năm sau.Sau đó mức độ tác động sẽ lớn dần lên sau đó.Trên thực tế trước khi một loại thuế được cắt giảm thì điều này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp.Dòng vốn đầu tư gián tiếp đang tăng lên vào thời điểm chúng tôi viết báo cáo này. Trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp dưới dạng đầu tư xây dựng nhà máy để thỏa mãn quy định nước xuất xứ hay để tận dụng lợi thế giảm thuế cũng đã bắt đầu. Trên thực tế, mức độ đầu tư sẽ tăng tốc kể từ giờ.

Ước tính ảnh hưởng của TPP đối với nền kinh tế của Việt Nam sẽ khó có thể chính xác nhiều. Tuy nhiên có thể nói ảnh hưởng sẽ là rất đáng kể và chúng tôi ước tính tác động từ TPP có thể giúp tăng thêm khoảng 1% GDP hàng năm – mức độ chính xác của một mô hình dự báo kinh tế vĩ mô tùy thuộc nhiều vào dữ liệu thực tế đầu vào. Và do không có tài liệu TPP được công bố nên chúng tôi không có dữ liệu đầu vào chính xác (chẳng hạn lộ trình giảm thuế chính xác). Và trong khi nhiều tổ chức có đưa ra tính toán tác động của TPP đối với GDP thì về bản chất tại thời điểm hiện tại đây vẫn là các con số ước đoán trên cơ sở hợp lý. Và dù sao thì những con số này vẫn đáng để tham khảo; Eurasia ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11% từ nay đến 2025 nhờ tác động từ TPP. World Bank ước tính TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-10% cho đến 2030. Dựa trên những giả định về dữ liệu đầu vào thận trọng. Cả 2 ước tính trên là khá sát nhau và chúng tôi có thể tóm lại rằng GDP sẽ tăng thêm với tốc độ CAGR là 1% mỗi năm trong 10-15 năm tới dưới tác động trực tiếp từ TPP kể từ khoảng 2017 trở đi.

Cam kết không phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu – Hãng tin Reuters đưa tin sẽ có thêm một cam kết là các nước thành viên TPP không phá giá đồng tiền để thúc đẩy sức cạnh tranh của mình.Đây có vẻ là một cam kết công bằng với ý định tốt nhưng chúng tôi không rõ cơ chế thực thi sẽ như thế nào. Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng từ cam kết này vì những năm gần đây Việt Nam chỉ điều chỉnh tỷ giá với tốc độ khá chậm, ít nhất là cho đến khi đồng NDT bị phá giá mạnh.Tuy nhiên cam kết này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam nếu muốn điều chỉnh mạnh tỷ giá trong tương lai.

Nhiều khả năng nội dung cam kết sẽ bao gồm cả cam kết giải trình về chính sách và cơ chế tỷ giá thông qua các cuộc gặp thường kỳ để nâng cao sự hiểu biết và thực thi cam kết.

Quy định nước xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nội địa để được hưởng ưu đãi giảm thuế - điều này có thể sẽ tạo một số khó khăn nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển theo chiều sâu của ngành sản xuất của Việt Nam thông qua tạo ra các chuỗi cung cấp tổng hợp ngành dọc ở nhiều ngành.

Theo như bảng trên, Việt Nam sẽ còn một chặng đường dài để đi.TPP sẽ tạo ra động lực tăng tỷ lệ nguyên liệu và phụ tùng đầu vào nội địa nhanh hơn nhiều so với khi không có TPP.Có thể nói đây sẽ là một tác động lớn từ TPP trong thập kỷ tới.

Vì sao nói Việt Nam hưởng lợi nhiều?

Lý do cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là như sau – Với tư cách là quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn là các nước phát triển bao gồm 2 trong số đối tác lớn nhất của Việt Nam và gần như không bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thì Việt Nam sẽ tăng tốc đáng kể trong thập kỷ tới nhờ TPP. Điều này là nhờ;

Vốn đầu tư trực tiếp tăng – Các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn

 Tốc độ cải cách được đẩy nhanh – cam kết nâng cao mức độ tiếp cận thị trường đối với việc đầu tư vào chi tiêu chính phủ và các ngành dịch vụ. Tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỷ trọng của DNNN sẽ giảm.

 Có thêm vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng – nhu cầu sẽ tăng do vốn ngoại đổ vào Việt Nam làm tăng nhu cầu đối với dịch vụ tiện ích; nước; đường xá… Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này đã được mở rộng sau khi có quy định mới về hình thức đối tác công tư PPP.

Hàng hóa giao thương tăng mạnh – việc có thêm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của Việt Nam, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu. Về bản chất TPP là một hiệp định thương mại tự do theo phương thức truyền thống – Nghĩa là miễn hoặc giảm thuế quan. Chúng tôi ước tính có khoảng 18.000-20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế trong thập kỷ tới dưới tác động trực tiếp của TPP.Một số sản phẩm trong số này sẽ được giảm thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực.

Và một số khác sẽ được giảm thuế theo lộ trình trên cơ sở đổi lại những cam kết như (1) tuân thủ quy tắc nước xuất xứ (2) tiếp cận thị trường nhiều hơn dưới hình thức tăng hạn ngạch (3) cải cách nói chung.

Ngành dệt may – ảnh hưởng lớn

Rõ ràng nhiều loại thuế liên quan đến dệt may sẽ được bỏ hoàn toàn; trong đó thuế đối với một số sản phẩm nhạy cảm sẽ được loại bỏ dần theo lộ trình dài hơi hơn theo sự thống nhất của các bên. Tại thị trường Mỹ, theo VITAS và AmCham, thuế của Mỹ đánh vào hàng dệt may của Việt Nam là từ 5-25%; thuế suất bình quân là 17%.

Về phía Nhật Bản, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) với Nhật Bản vào 2010. Do đó thuế đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0% từ trước.

Hàng dệt may và quần áo sẽ được chia làm 3 nhóm sản phẩm để áp thuế

Nhóm A – ít nhạy cảm nhất, thuế quan sẽ giảm về 0% ngay khi TPP có hiệu lực

Nhóm B – nhạy cảm hơn, thuế sẽ giảm dần về 0% trong 5 năm.

Nhóm C – nhạy cảm nhất, thuế sẽ chỉ giảm một chút sau khi TPP có hiệu lực. Sau đó giữ nguyên trong 10 năm tiếp theo đối với hàng dệt kim và 15 năm đối với hàng dệt sợi.

Đứng từ góc độ của Việt Nam, một điểm mấu chốt khác là quy định xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải dùng vải và sợi từ các nước thuộc TPP.Điều này là nhằm phát huy các chuỗi giá trị và đầu tư trong nội bộ khối TPP.Quy định này cũng được biết đến là quy định “từ sợi trở đi”.

TPP đưa ra một hệ thống các quy định về xuất xứ để xác định một mặt hàng có đảm bảo quy định xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế theo TPP hay không. Những quy định này sẽ căn cứ theo các sản phẩm cụ thể.

Những mặt hàng ngoại lệ trong quy tắc “từ sợi trở đi” sẽ được lập “danh sách nguồn cung thiếu hụt”: Việt Nam đang lập danh sách này và hiện vẫn chưa hoàn tất.

Thủy sản – tác động tích cực vừa

Thủy sản nhận được ít lợi ích từ TPP hơn sự mong đợi của thị trường. Từ trước đến nay cá tra không chịu thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ nên không có tác động nào. Cá tra cũng không xuất nhiều sang Nhật Bản nên việc giảm thuế cũng không có mấy tác dụng. Tuy nhiên thuế nhập khẩu sẽ được giảm ở các thị trường nhỏ hơn như Australia, Singapore và Mexico.Và dĩ nhiên là lối vào các thị trường này sẽ rộng mở hơn.

Trong khi đó chúng ta sẽ thấy lộ trình giảm thuế nhập khẩu tôm, mực và cá ngừ, hiện đang ở mức từ 1-10%.Với việc MPC đã hủy niêm yết, không có nhiều công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực này ngoại trừ FMC, nhà xuất khẩu tôm đi Nhật và Mỹ.

Cơ sở hạ tầng và logistics - ảnh hưởng lớn trong thời gian dài

Việc tăng vốn đầu tư trực tiếp từ các nhà sản xuất trong khu vực sẽ làm tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng chẳng hạn như dịch vụ tiện ích; nước; đường xá… Cơ chế PPP mới đã tạo ra làn sóng đầu tư tư nhân vào các dự án BOT và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn.

Nhu cầu đối với cảng và KCN sẽ tăng lên do các chuỗi giá trị chuyển sang Việt Nam làm tăng lưu lượng hàng hóa. Xu hướng này có thể mất vài năm để tạo đà nhưng sẽ duy trì trong một thời gian dài.

Sản phẩm thép và gỗ - ảnh hưởng nhẹ trong thời gian dài

Sản phẩm thép – hiện không xuất khẩu nhiều sang các thị trường lớn bên ngoài ASEAN. Do vậy việc miễn giảm thuế không tác động nhiều. Tuy nhiên điều này có thể mở ra cơ hội khai thác thị trường trong tương lai. Xuất khẩu sang các nước vành đai Thái Bình Dương như Chile và Mexico theo đó có thể tăng mạnh. Những động thái áp thuế chống bán phá giá gần đây đối với thép của Việt Nam tại nhiều nước ASEAN cho thấy các sản phẩm thép của Việt Nam là khá cạnh tranh về giá.

Quy định nước xuất xứ đối với các sản phẩm sản xuất từ HRC sẽ dễ được đáp ứng hơn nhờ nhà máy mới của Formosa (sẽ sản xuất HRC đầu tiên tại Việt Nam).

Sản phẩm gỗ có chịu thuế là 2,5-5% tại thị trường Mỹ tùy từng sản phẩm và kích cỡ sản phẩm khác nhau. Đối với thị trường Nhật mức thuế là dưới 5%. Mức thuế sẽ được giảm khá nhanh về 0% theo như chúng tôi biết.

Ngành dược phẩm - ảnh hưởng nhẹ nhưng tiêu cực trong dài hạn

Dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Rào cản thuế này là thấp nên việc bỏ thuế cũng không ảnh hưởng nhiều. Cho dù vậy, điều này khẳng định thêm tăng xu hướng cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó sự cạnh tranh sẽ thiên hơn về các doanh nghiệp sản xuất thuốc gốc so với thuốc generic do ảnh hưởng lớn thứ 2 trong ngành.

Đó là các quy định của TPP sẽ tăng mức độ bảo vệ bản quyền mặc dù thời gian ngắn hơn so với kỳ vọng (trong hầu hết trường hợp thời gian độc quyền dữ liệu thuốc mới là 5 năm và trong một số trường hợp nhất định có thể dài hơn, đặc biệt là với thuốc sinh học).

Đầu tư công - ảnh hưởng nhẹ chủ yếu là tiêu cực trong thời gian dài

Các doanh nghiệp từ các quốc gia thuộc TPP sẽ có thể tiếp cận với các hợp đồng đầu tư công tại các quốc gái TPP khác. Quy định cụ thể ở đây vẫn chưa rõ ràng nhưng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các hợp đồng mua sắm công liên quan đến IT, xây dựng… cho các công ty nước ngoài.

Thời gian và chi tiết các quy định trong lĩnh vực này chưa rõ ràng và trên lý thuyết có thể dẫn đến phương thức đấu thầu kín với sự giám sát để đảm bảo công bằng. Cách tham gia vào câu chuyện TPP.

Theo Nguồn: HSC
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.