Vì sao ô tô Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam giá lại rẻ?

Kinh doanh ô tô dung tích xi lanh nhỏ, giá rẻ đang được nhiều doanh nghiệp cạnh tranh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Kinh doanh ô tô dung tích xi lanh nhỏ, giá rẻ đang được nhiều doanh nghiệp cạnh tranh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Sở dĩ xe Ấn Độ nhập vào Việt Nam giá rẻ bởi toàn là xe Huyndai Grand I10, dung tích xi lanh chỉ từ 1.0-1.2 nên thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 35%. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhập dòng xe này về để chạy taxi nên chủ yếu nhập xe bản cơ sở, không có thêm nhiều linh phụ kiện cao cấp, giá lại càng rẻ hơn.

Xe nhập khẩu tăng trưởng gấp 20 lần xe lắp ráp

Thống kê mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 5, lượng ô tô bán ra của toàn thị trường đạt 23.232 xe, tăng 6% so với tháng trước nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dù được dự đoán tăng trưởng kém do ảnh hưởng tâm lý chờ mua xe ASEAN giá rẻ vào đầu năm 2018 nhưng thực tế lượng tiêu thụ trong tháng 5 vừa qua đối với dòng xe du lịch lại bất ngờ tăng mạnh, lên tới 20% (đạt 12.900 xe). Trong khi đó lượng xe thương mại và xe chuyên dụng lại sụt giảm lần lượt là 6%  (với 9.000 xe) và 22% (với hơn 1.300 xe).

Trong tháng 5, tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước đạt 16.656 xe, tăng 1% so với tháng trước trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.576 xe, tăng 20% so với tháng trước.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm cả nước tiêu thụ hơn 109.900 ô tô các loại, giảm nhẹ (1%) so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể hơn có 79.423 xe lắp ráp trong nước được bán ra, giảm 7%; trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 30.480 xe, tăng đến 16%.

Trong một diễn biến khác, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong tháng 5 đạt 9.935 chiếc, trị giá khoảng 215 triệu USD, tăng 42,7% về lượng và 27,3% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 43.000 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 878 triệu USD, tăng 5,3% về lượng, nhưng giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu phân chia theo nước/vùng lãnh thổ, tính chung 5 tháng đầu năm, Thái Lan vẫn dẫn đầu về lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam với 15.930 chiếc, trị giá 287 triệu USD; tiếp đó là Indonesia 8.683 chiếc, trị giá 150 triệu USD; Ấn Độ 5.058 chiếc, trị giá 22,8 triệu USD; Hàn Quốc 4.408 chiếc, trị giá 82 triệu USD; Trung Quốc 2.735 chiếc, trị giá 104,5 triệu USD; Đức 568 chiếc, trị giá 38 triệu USD; Nhật Bản 1.840 chiếc, trị giá 56,4 triệu USD; Hoa Kỳ 1.400 chiếc, trị giá 37,8 triệu USD; Nga 400 chiếc, trị giá 19 triệu USD; Pháp 15 chiếc, trị giá 1,1 triệu USD…

Ô tô Ấn Độ nhập khẩu trung bình chỉ 102 triệu/chiếc, vì sao?

Từ số liệu thống kê ở trên, có thể thấy ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam vẫn rẻ nhất với giá trung bình nhập khẩu về cảng nước ta chỉ hơn 4.500 USD/chiếc, tương đương hơn 102 triệu đồng/chiếc, nếu cộng thêm các loại thuế, phí thì khi đến tay người mua giá trung bình khoảng 350-400 triệu đồng/chiếc.

Xe nhập khẩu giá rẻ từ Indonesia có giá trung bình chỉ 390 triệu đồng/chiếc; Thái Lan khoảng 408 triệu đồng/chiếc. Pháp vẫn là nước có giá xe nhập khẩu đắt đỏ nhất với giá trung bình 1,6 tỉ đồng/chiếc, xếp sau là ô tô nguyên chiếc nhập từ Đức với hơn 1,5 tỉ đồng/chiếc.

Lý giải việc xe Ấn Độ tràn vào, Bộ Công Thương mới đây cho hay: Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1.5 lít từ đầu năm 2017, thuế xuống còn 35%. Dòng xe có dung tích từ 1,5 đến 2 lít (tập trung chủ yếu ở phân khúc xe hơi) giảm về 40%, vì vậy việc giảm thuế này được cho là đã tạo lợi thế đáng kể cho xe từ Ấn Độ.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết thêm, sở dĩ xe Ấn Độ nhập vào Việt Nam giá rẻ bởi toàn là xe Huyndai Grand I10, dung tích xi lanh chỉ từ 1.0-1.2 nên thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 35%, do đó giá rẻ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhập dòng xe này về để chạy taxi nên chủ yếu nhập xe bản cơ sở, không có thêm nhiều linh phụ kiện cao cấp, giá lại càng rẻ hơn.

MỚI - NÓNG