Vì sao ông Trầm Bê bị bắt mà Sacombank không lo bị rút tiền

Giao dịch tại Sacombank được lãnh đạo nhà băng này cho biết vẫn đang diễn ra bình thường, thanh khoản tốt
Giao dịch tại Sacombank được lãnh đạo nhà băng này cho biết vẫn đang diễn ra bình thường, thanh khoản tốt
TPO - Trước việc "cặp đôi" cựu lãnh đạo Sacombank là Trầm Bê và Phan Huy Khang bị bắt, Ngân hàng Nhà nước đã cho hay sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ khi cần thiết. Tuy nhiên, thông tin đến chiều nay, thanh khoản nhà băng này vẫn ổn, không xảy ra hiện tượng rút tiền. 

Ngay chiều qua 1/8 khi thông tin ông Trầm Bê và Phan Huy Khang bị bắt lan rộng,  nói với phóng viên một tờ báo, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đã lên tiếng khẳng định: "Sacombank vẫn hoạt động bình thường và thanh khoản tốt hơn bao giờ hết. Bằng chứng là các khoản vay liên ngân hàng của Sacombank liên tục giảm từ đầu tháng 7-2017 nhờ huy động vốn tăng mạnh từ dân cư và các tổ chức kinh tế"

Trao đổi với Tiền Phong ngày 2/8, một đại diện của Sacombank cũng cho biết sang ngày thứ hai này, không có hiện tượng người dân đến rút tiền tại ngân hàng. “Thanh khoản và mọi hoạt động của ngân hàng rất tốt, chúng tôi cũng sẽ thông tin sớm đến người dân và công luận”, vị này nói.  

Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng khẳng định đã trực tiếp liên lạc, chỉ đạo cũng như phối hợp với Sacombank và cam kết hỗ trợ Sacombank toàn diện để giải quyết những phát sinh nếu có. Cụ thể hơn, NHNN Thành phố đã có mặt tại Hội sở Ngân hàng Sacombank từ trưa cùng ngày hôm qua và nắm bắt tình hình hoạt động tại Sacombank.

Theo thông tin từ Sacombank, từ hai năm trước ông Trầm Bê và những người có liên quan đã ủy quyền vô thời hạn, không hủy ngang toàn bộ cổ phần tại Sacombank, Ngân hàng TMCP Phương Nam và cổ phần Sacombank sau sáp nhập cho Ngân hàng Nhà nước. HIện tại Ngân hàng Nhà nước là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại Sacombank (chiếm giữ 54,4% vốn)

Cũng đó, ông Trầm Bê đã rời Sacombank và không còn nắm giữ bất cứ chức vụ nào ở ngân hàng từ ngày 24/2/2017. Ông Phan Huy Khang cũng không còn liên hệ nào với Sacombank từ ngày 3-7-2017.  Ban lãnh đạo mới hiện đang điều hành và quản trị ngân hàng ổn định.

Dăm năm trở lại đây, mỗi khi ngân hàng nào có thành viên cấp cao bị bắt, thường dễ “ồn” lên lo lắng rút tiền gửi của doanh nghiệp, người dân khiến Ngân hàng Nhà nước phải luôn sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ thanh khoản.

Năm 2012, khi bầu Kiên bị bắt, tại Ngân hàng Á Châu (ACB)  thị trường tiền tệ  đã diễn ra việc  người  dân lo lắng đi rút tiền. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực sự vào cuộc hỗ trợ để đảm bảo thanh khoản với việc ngày 21/8/2012, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM  đã hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cho Ngân hàng ACB sau khi xảy ra hiện tượng người dân đến rút tiền tại hội sở ngân hàng, 442 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM.

Tại ngân hàng Đông Á, khi ông Trần Phương Bình, Chủ tịch HĐQT nhà băng này bị bắt, Ngân hàng Nhà nước cũng phải lập tức lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DongABank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

“Hiện nay thanh khoản tại Sacombank khá tốt nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết”, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết.

MỚI - NÓNG