Vì sao Petrolimex xin lùi thời hạn thoái vốn nhà nước

Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại Petrolimex
Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại Petrolimex
TP - Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng sáng 25/9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị xin được lùi thoái vốn sang giai đoạn 2019- 2020 thay vì năm 2018. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng xin dừng thực hiện dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong để tập trung nguồn lực thực hiện dự án khác.

Thực hiện nghiêm việc thoái vốn theo kế hoạch

Báo cáo với Tổ công tác về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex cho biết, đến nay đã hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc PGBank và các lĩnh vực Petrolimex không cần giữ cổ phần chi phối. “Việc sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ tăng lợi nhuận của Petrolimex khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Thanh cho biết.

Về thoái vốn, theo kế hoạch Petrolimex sẽ phải thực hiện việc thoái vốn trong năm 2018. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, do có một số lý do nên vừa qua, đơn vị đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng đồng ý tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa đến 49%, đồng thời cho chậm thoái vốn đến 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch. Petrolimex cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép được nắm giữ tỷ lệ sở hữu tại PJICO là 35,1%.

Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời cũng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh và như thế có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự. “Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định”, ông Khánh phát biểu.

Tuy nhiên, đại diện các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ cho rằng, hiện chưa có quyết định nào thay thế các quyết định của Thủ tướng liên quan tới việc thoái vốn tại Petrolimex. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có công văn đôn đốc Petrolimex thực hiện việc thoái vốn. Do đó, đề nghị Tập đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, trường hợp cần điều chỉnh thì Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục đánh giá cao những nỗ lực của Petrolimex. Tại thời điểm chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần năm 2011, giá trị vốn hóa của Tập đoàn khoảng trên 16 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay đã lên tới khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6 lần. Tổ công tác đề nghị thời gian tới, trong công tác đầu tư, Tập đoàn cần bảo đảm đúng định hướng, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải. “Thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Cao Lục nêu rõ.

Kiến nghị dừng thực hiện dự án lọc hóa dầu tỷ đô

Một nội dung đáng chú ý là trong báo cáo kiến nghị với Tổ công tác, Petrolimex đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp dừng thực hiện dự án này với lí do chính là tập trung vốn đầu tư các dự án quan trọng khác.

Theo Đại diện Vụ Công nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, vào tháng 1/2018, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương xem xét các đề xuất về chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư mong muốn khi thực hiện dự án. Thế nhưng trong lúc Bộ Công thương chưa báo cáo mà Petrolimex đã muốn rút lui thì cần báo cáo cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì bày tỏ sự đồng tình với đề xuất dừng dự án mà Petrolimex nêu ra. “Đây cũng là kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản khi tham gia góp ý cho dự án này trước đây”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu thì nhắc lại quá trình về thay đổi công suất, thu xếp vốn, xin cơ chế ưu đãi… và cho rằng lý do chính của việc Petrolimex muốn dừng dự án là nằm ở năng lực tài chính. Ông Hiếu cũng nêu quan điểm, hiện cả nước đã có hai dự án lọc dầu rất lớn là Dung Quất và Nghi Sơn nên việc có thêm một dự án tương tự cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng không phải quá cấp thiết như trước.

Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời cũng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh và như thế có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự. “Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định”, ông Khánh phát biểu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.