Vì sao phải có trần lãi suất?

Vì sao phải có trần lãi suất?
Người gửi tiền sẽ không vui khi ngân hàng (NH) đưa ra trần lãi suất (LS) huy động. Nhưng theo những người trong cuộc, biện pháp này là cần thiết để giảm sức ép lên người vay vốn...

Dưới đây là một số ý kiến.

Vì sao phải có trần lãi suất? ảnh 1
Với lãi suất cho vay quá cao, nhiều doanh nghiệp ngành may mặc đang khó khăn do chi phí tăng. Trong ảnh: thêu hàng thời trang ở Công ty cổ phần may Sài Gòn 2 - Ảnh: TT

Ông Đỗ Hà Nam (tổng giám đốc Công ty CP Intimex):

LS cao, nông dân bị thiệt

Với LS cho vay quá cao như hiện nay, không chỉ doanh nghiệp (DN) "chết" mà nông dân, người tiêu dùng cũng lãnh đủ. Tất cả chi phí lãi vay đều vào giá thành, giá bán sản phẩm bị đẩy lên cao không những khó cạnh tranh mà thậm chí cũng không bán được.

Còn nếu DN do phải giảm giá thành quay sang giảm giá mua của nông dân thì người làm ra sản phẩm càng bị thiệt đơn thiệt kép vì sản phẩm bán ra thấp nhưng phải mua nguyên vật liệu với giá cao. Các NH cần phải xem lại để giảm gánh nặng chi phí lãi vay cho DN.

Ông Trần Phương Bình (tổng giám đốc DongA Bank): Đừng lo tiền lại "chạy"

Gửi ngân hàng vẫn lợi hơn

LS gửi tiền cao hơn lạm phát là mục tiêu chúng ta phải đạt được. Nhưng trong điều kiện đặc biệt, lạm phát cao thì người gửi tiền cũng phải chia sẻ. Có ý kiến cho rằng nếu LS âm sẽ có ít người gửi tiền. Thực tế thì không phải thế.

Nếu không mua vàng, chứng khoán, bất động sản hay USD thì việc để tiền ở nhà là không hiệu quả. Với số tiền là 100 triệu đồng, giả sử lạm phát cả năm là 12% trong khi LS tiền gửi là 11%/năm. Nếu gửi NH, sau một năm giá trị số tiền đó chỉ bị giảm đi 1% nhờ được bù bởi 11% LS.

Trường hợp cất tiền ở nhà thì sau một năm giá trị của số tiền đó giảm đến 12% vì không có phần tiền lãi bù vào. Hiện người dân ở nhiều nước cũng phải chia sẻ, chịu LS âm để cùng góp phần vực dậy nền kinh tế. Chủ trương của Chính phủ về nguyên tắc LS thực dương chỉ có thể đạt được trong dài hạn.

Trần LS nếu được thực hiện sẽ làm mặt bằng LS giảm nhưng sẽ không có sự chuyển dịch tiền gửi giữa NH qui mô lớn với NH nhỏ. Trong bối cảnh hiện nay, NH, khách vay và người gửi tiền cùng chia sẻ khó khăn.

NH đồng thuận một mức trần LS cho vay theo hướng NH không quá lời cũng không bị lỗ. Với khách vay vốn cũng phải tính toán lại chi phí sản xuất, cùng tin tưởng cố gắng chịu đựng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Riêng người gửi tiền có thể tính toán thiệt hơn nếu LS thấp hơn lạm phát. Nhưng so với LS những năm trước đây thì LS trần hiện nay vẫn khá cao. Gửi tiền NH vẫn có lợi nhuận hợp lý và an toàn hơn chứng khoán, vàng, USD…

Ông Nguyễn Văn Sẽ (quyền giám đốc Sở Giao dịch II - Incombank): Có cơ sở để giảm LS cho vay

Có trần LS, các NH cạnh tranh huy động tiền gửi bằng chất lượng phục vụ và dịch vụ khách hàng. Về LS cho vay, hiện Incombank SGDII đang áp dụng từ 14-16%/năm, DN có kêu nhưng trước mắt NH chưa giảm được. Vì thực tế thời gian qua NH đã huy động vốn ở mức LS khá cao với kỳ hạn từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, khi thực hiện LS trần, đầu vào của các NH giảm đi và ổn định là cơ sở để NH tính toán lại LS cho vay hợp lý hơn.

PGS.TS Sử Đình Thành (Trường ĐH Kinh tế TPHCM): LS cao, thêm sức ép lên lạm phát

Lạm phát do chi phí tăng cao trong khi LS tăng lên thì sẽ làm chi phí ngày càng tăng lên và tiếp tục là đòn bẩy cho lạm phát tăng tiếp. Vì vậy, việc đưa mặt bằng LS giảm xuống là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Các NH cần tỉnh táo để cùng giảm LS, không chỉ góp phần bình ổn cho nền kinh tế mà còn sẽ giúp các NH phát triển một cách bền vững. Với người gửi tiền, gửi ngắn hạn với mức lãi suất 11%/năm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro, từng nhà đầu tư có thể lựa chọn những kênh đầu tư phù hợp nhưng gửi tiền NH vẫn là lựa chọn ưu tiên của người dân hiện nay. Việc thỏa thuận cùng hạ LS của các NH sẽ không có sự chuyển dịch tiền gửi sang các kênh đầu tư khác.

Lãi suất, tỉ giá đã đi vào ổn định

Đó là khẳng định của NH Nhà nước trong thông báo phát ngày 25-3. Theo thông báo này, nhờ thực hiện tốt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, LS trên thị trường liên NH đã đi vào ổn định. LS huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 10,13% đối với NH thương mại nhà nước, 11,78% đối với NH  cổ phần.

LS cho vay phổ biến tại NH thương mại nhà nước, ngắn hạn khoảng 12,6-14,6%/năm, trung và dài hạn khoảng 13,5- 16,2%/năm; tại các NH cổ phần, LS ngắn hạn khoảng 18,42%/năm, trung và dài hạn khoảng 21,85%/năm.

NH Nhà nước cũng cho biết tới đây sẽ triển khai đồng bộ 39 nội dung, chia thành sáu mảng công việc lớn để thực hiện kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó có sửa qui chế chiết khấu, tái chiết khấu để hỗ trợ một phần nguồn vốn cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời nơi này cũng sẽ có những quyết định cụ thể trong từng thời kỳ đối với biên độ dao động tỉ giá của các NH được phép hoạt động ngoại hối so với tỉ giá bình quân liên NH. Trước đó, NH Nhà nước đã mua ngoại tệ từ các NH một cách có chọn lọc trước hết để hỗ trợ các DN xuất khẩu..

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.