Vì sao thị trường ôtô VN chưa phát triển ?

Vì sao thị trường ôtô VN chưa phát triển ?
Câu trả lời “truyền thống” được khá nhiều quan chức cho là hạ tầng cơ sở còn quá kém, chưa đủ sức chứa. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nước phát triển cho thấy, hãy để mỗi chiếc xe tham gia giao thông tự tham gia xã hội hóa việc phát triển hạ tầng.
Vì sao thị trường ôtô VN chưa phát triển ? ảnh 1
Một mẫu xe mới tại Triển lãm Vietnam MotorShow 2006 (ảnh : Vnexpress) 

Để thúc đẩy thị trường ô tô phát triển và đưa Việt Nam từ nước lắp ráp thành nước sản xuất ô tô thì giải pháp đầu tiên phải nhắm đến là kích cầu thị trường ô tô.

Đó là nhận định của ông Trần Đông Phong, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội thảo “Nền công nghiệp ô tô Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam MotorShow 2006 mới đây. 

Theo phân tích của Vụ Kinh tế công nghiệp, một trong những giải pháp điều tiết thị trường ô tô được vận dụng trong thời gian qua là chính sách thuế, nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả của các chính sách này chưa đạt được mục tiêu ban đầu là thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Chính sự bất hợp lý của các chính sách thuế đã làm giá xe quá cao, hạn chế mở rộng thị trường cho ngành sản xuất ô tô và không thúc đẩy sản xuất.

Đồng thời, các chính sách thuế còn nặng về bảo hộ đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể, các chính sách thuế đối với hàng CKD và IKD trước đây cũng như các chính sách thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay còn quá cao đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Theo ông Phong, mở rộng thị trường tiêu thụ ô tô cho các nhà sản xuất ô tô được xem là giải pháp ưu tiên hàng đầu để kích cầu nền công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo phân tích của ông Phong, ngành ô tô cần có thị trường tiêu thụ khoảng 150.000 xe/năm, trong khi thực tế hiện nay mới đạt khoảng 50.000 xe/năm (trên tổng dân số 84 triệu dân). Đây được coi là mức rất thấp nếu so với Thái Lan (có thị trường 1 triệu xe/năm trên tổng dân số 64 triệu dân) và Malaysia (400.000 xe/năm trên tổng dân 24 triệu dân).

“Vậy tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho thị trường phát triển?”, ông Phong đặt câu hỏi. Câu trả lời “truyền thống” cho sự hạn chế này được khá nhiều quan chức cho là hạ tầng cơ sở còn quá kém, chưa đủ sức chứa.

Tuy nhiên, ông Phong phản biện rằng, thực tế ở nhiều nước phát triển cho thấy, để phát triển hạ tầng, hãy để mỗi chiếc xe tham gia giao thông phải có trách nhiệm tự chịu chi phí hạ tầng, từ đó tạo nguồn thu, khuyến khích nhiều nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nếu thực hiện giải pháp này vô hình trung đưa đầu tư vào cơ sở hạ tầng trở thành lĩnh vực đầu tư có hiệu quả và thu hút nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khi ở Việt Nam lâu nay đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu vẫn là lĩnh vực Nhà nước phải tự gánh vác. Chính việc “độc quyền” này đã dẫn tới bài toán luẩn quẩn “quả trứng - con gà” trong phát triển xe hơi và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nên chăng, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng (như TP.HCM cho tư nhân đầu tư bãi đậu xe ngầm...), đồng thời đánh thuế vào từng chiếc xe tham gia giao thông, thay vì chỉ chăm chăm vào thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt như lâu nay.

Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng cần lưu ý đến việc khuyến khích sản xuất, đưa giá xe Việt Nam ngang bằng giá xe quốc tế, theo hướng tận dụng lợi thế tại chỗ về nhân công, thị trường, đất đai... để khuyến khích đầu tư sản xuất xe trong nước.

Khuyến khích đầu tư các chủng loại xe phù hợp với điều kiện Việt Nam, như xe giá rẻ, nông dụng, đa dụng, bên cạnh dòng xe cao cấp. Đặc biệt, với chính sách thuế, cần chú trọng đến việc giảm thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc, thúc đẩy tăng trưởng thị trường.

Mặt khác, một trong các kỳ vọng đối với ngành công nghiệp ô tô là chuyển giao công nghệ, nhưng hoạt động này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thực tế, quá trình chuyển giao này mới chỉ dừng lại ở mức công nghệ đơn giản, do các DN mới dừng ở lắp ráp.

Trong khi đó, một xu hướng hiện nay là, do khả năng tài chính hạn chế, nhiều DN Việt Nam có xu hướng chọn các công nghệ của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây chỉ là công nghệ thứ cấp và cần nghiên cứu đầu tư vốn và công nghệ tiên tiến nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.

Theo Đầu tư

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.