Vì sao việc lẫn lộn tên sữa lên đến Thủ tướng?

Vì sao việc lẫn lộn tên sữa lên đến Thủ tướng?
TPO - Câu chuyện lẫn lộn, nhập nhèm tên sữa được Tiền Phong phản ánh nhiều năm nay vẫn chưa có hồi kết khi doanh nghiệp phải kiến nghị đến Thủ tướng trong Hội nghị giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sáng 17/5.

Cụ thể, tại cuộc đối thoại, Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu sữa TH true MILK) nói về chữ tín trong kinh doanh và khát vọng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn” của thế giới. Theo bà Thái Hương, để làm được điều đó, việc cần thiết nhất phải có các quy chuẩn cho sản phẩm thực phẩm và áp dụng một cách triệt để.

Bà Thái Hương đề cập đến hai quy chuẩn gồm quy chuẩn sữa học đường và quy chuẩn sữa dạng lỏng.

Về quy chuẩn thứ nhất, bà cho rằng đây là món quà của Chính phủ dành cho trẻ em. “Nhưng đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa thành lập được Ban chỉ đạo sữa học đường. Hiện nay, trong trường học vẫn là sữa cân, các loại sữa không phải là sữa học đường theo tiêu chuẩn mà Chính phủ đã ban hành” – nữ doanh nhân kiên trì của ngành sữa phản ánh.

Vấn đề thứ hai bà Thái Hương đề cập chính là quy chuẩn sữa dạng lỏng – văn bản có tên gọi “sữa tiệt trùng” để chỉ loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi.

Theo Chủ tịch Tập đoàn TH, các nước tiên tiến chỉ dùng hai tên gọi, sữa bột và sữa tươi, nhưng ở Việt Nam lại lạm dụng từ “sữa tiệt trùng”. Trong khi, tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ, còn sữa lỏng được thế giới phân loại là sữa tươi, sữa hoàn nguyên hay sữa pha lại, sữa hỗn hợp.

“Mặc dù Bộ Y tế đã làm rất tốt rồi, lấy rất nhiều ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp và cộng đồng nhưng đến hôm nay vẫn chưa ra được tiêu chuẩn sữa lỏng, không hiểu vướng mắc từ đâu?” – bà Thái Hương đặt câu hỏi tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì.

Trả lời về nội dung này ngay sau đó, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ rất quan tâm đến việc quản lý chất lượng sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhưng các quy chuẩn mà bà Thái Hương đề cập thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong chương trình hội nghị, không có đại diện Bộ Y tế trả lời đề nghị của doanh nghiệp tại hội trường.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ này vừa công bố dự thảo mới nhất sau nhiều lần chỉnh sửa trong hơn 2 năm qua. Trong dự thảo, sữa dạng lỏng được chia thành các loại cơ bản: sữa tươi, sữa dạng lỏng làm từ sữa bột, sữa đặc (gồm sữa hoàn nguyên và sữa pha lại) và sữa hỗn hợp, không còn khái niệm “sữa tiệt trùng”. Bộ Y tế lấy ý kiến lần cuối của các doanh nghiệp về dự thảo này trước khi ký ban hành, hạn lấy ý kiến đến 20/5/2017.

Như Tiền Phong liên tục phản ánh, việc sử dụng tên gọi “sữa tiệt trùng” hơn 6 năm qua khiến người tiêu dùng mua sữa dạng lỏng làm từ sữa bột nhầm tưởng đó là sữa tươi. Tên gọi này không theo thông lệ quốc tế, tạo ra sự thua thiệt trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, nông dân nuôi bò, sản xuất sữa tươi trong nước. Sau khi sự việc được nêu ra nhiều lần từ năm 2015, Bộ Y tế lấy ý kiến sửa đổi, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề.

Đầu năm nay, Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc này. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có công văn từ chối đề nghị này vì theo quy chế làm việc của Chính phủ thẩm quyền sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (trong đó có tên gọi sữa tiệt trùng) thuộc về Bộ trưởng Y tế.

MỚI - NÓNG