Vì sao Việt Nam có rất ít tập đoàn đa quốc gia?

FPT – một trong những DN của Việt Nam có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
FPT – một trong những DN của Việt Nam có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
TPO - Dù nền kinh tế mở cửa đã 30 năm nhưng đến nay Việt Nam có rất ít tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân chính của việc này do khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam non trẻ, yếu kém, chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất cung ứng để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vươn ra nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, chiếm 51% lực lượng lao động cả nước và đóng góp trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh những thế mạnh như khả năng sáng tạo, nghị lực đối mặt thách thức, DN tư nhân Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều hạn chế về vốn, kiến thức, thị trường, đối tác quốc tế và đặc biệt là các vấn đề chính sách.

Cùng quan điểm, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễn ra, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá, DN tư nhân Việt Nam tồn tại nhiều điểm yếu, nhất là kiểu làm ăn chộp giật. Tuy nhiên, DN tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các yếu tố như vốn, đất đai. Để DN tư nhân phát triển hơn, cơ quan quản lý cần giải quyết điểm nghẽn chính sách. Điểm nghẽn này chính là những lợi thế đơn giản hơn về hồ sơ thủ tục hành chính, lệ phí, các loại thuế, quy trình tuyển lao động…

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, ngoài khả năng có hạn của nền kinh tế tư nhân, một trong những lí do khiến Việt Nam chưa có tập đoàn kinh tế tư nhân đa quốc gia là do tâm lý bản thân các chủ doanh nghiệp.

“Thói quen của đa số DN Việt Nam nói chung chỉ kiểm soát đến biên giới quốc gia. Thời gian tới, do tác động của việc hội nhập kinh tế sâu rộng, các DN tư nhân Việt Nam sẽ dần phải mở rộng hoạt động kinh tế ra nước ngoài, sẽ từng bước tạo điều kiện hình thành tập đoàn đa quốc gia”, ông Giám cho biết.

Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nguyên nhân tiếp theo của việc chưa hình thành tập đoàn đa quốc gia vì Việt Nam khó tiếp cận với công nghệ từ các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tính đến hết 2016, Việt Nam thu hút được 295,6 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn giải ngân đạt 154,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xét theo hình thức đầu tư, DN 100% vốn nước ngoài chiếm cao nhất với 71%; DN liên doanh chiếm 23%.

TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, hình thức DN 100% vốn nước ngoài chiếm tới 2/3 trong tổng vốn FDI nên DN Việt Nam rất khó học hỏi từ nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ, kinh nghiệm thị trường. Đồng thời làm tăng tính biệt lập của khu vực FDI so với phần còn lại của nền kinh tế.

“Nhờ coi trọng hình thức DN liên doanh nên các DN Trung Quốc đã nhanh chóng học hỏi trực tiếp bí quyết công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Từ đó, tăng khả năng tham gia của sản phẩm Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu. Để phát triển các DN Việt Nam phát triển mạnh, vươn ra quốc tế, Việt Nam cần học hỏi cách làm này”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Hội nghị Trung ương 5 ra nghị quyết  xem kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” sẽ tạo cơ hội cho (DN) tư nhân phát triển, liên doanh, hợp tác để trở thành các Tập đoàn đa quốc gia.

MỚI - NÓNG