Hàng loạt resort 'trùm mền' vì siêu dự án:

Vì tầm nhìn của tỉnh, DN lãnh đủ

Vì tầm nhìn của tỉnh, DN lãnh đủ
TP - Khi báo chí đặt câu hỏi vì sao UBND tỉnh lại làm ngược quy trình, bội tín trước những nhà đầu tư các khu nghỉ dưỡng (resort) ở khu vực mũi Kê Gà, ông Nguyễn Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trả lời, đó là vì tầm nhìn của tỉnh.

Ngày 15-10-2007, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản 6588 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, trong đó có bổ sung vào quy hoạch cảng Kê Gà.

Đến hơn hai năm sau, ngày 24-12-2009, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định 2190, phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó cảng Kê Gà được đưa vào danh mục cảng chuyên dùng liên hợp kim. Như vậy, dự án này mới được chấp thuận mặt chủ trương chiến lược, hoàn toàn chưa có giá trị pháp lý bởi nó chưa được cấp phép đầu tư.

Tuy nhiên thông tin trên website của tỉnh Bình Thuận thể hiện dự án cảng Kê Gà được xem là siêu dự án, có vốn đầu tư khoảng 550 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng). Dự án chiếm chiều dài ven biển khoảng 2,3 km với tổng diện tích 366 ha. Mục đích của cảng biển này là sẽ vận chuyển bôxít từ các dự án Tân Rai, Nhân Cơ ở Tây Nguyên xuống.

Theo kế hoạch, tháng 8-2009 sẽ khởi công xây dựng. Nhưng mãi đến tháng 5-2009, Sở GTVT tỉnh mới có báo cáo về việc cắm mốc xác định ranh giới khu vực cảng Kê Gà. Toàn bộ quy hoạch này lại dính hết vào các khu resort mà trước đó tỉnh Bình Thuận đã mời gọi đầu tư.

Theo quy định của pháp luật, cảng Kê Gà là dự án thuộc nhóm A, do đó phải thông qua Quốc hội và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Mới đây trao đổi với báo chí, ông Hồ Dũng Nhật - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận, Bita’s đã chính thức rút lui, không đầu tư nữa. Như vậy, siêu dự án này mới đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và còn nhiều vấn đề quan trọng liên quan  đến môi trường sinh thái vùng biển La Gi - Phan Thiết - Hòn Rơm - Mũi Né chưa được xem xét.

UBND tỉnh rất cảm thông với chủ đầu tư

Mặc dù Bình Thuận đang có bốn cảng biển nhưng ông Nguyễn Văn Thu vẫn thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh khi vẽ ra viễn cảnh tương lai về tiềm năng mang lại từ cảng biển nước sâu Kê Gà.

Ông Thu nói: “Thiếu cảng để phát triển các khu công nghiệp; cảng vận chuyển bô-xít cho Tây Nguyên. Theo khảo sát thì hai nơi phát triển phù hợp cho mô hình cảng này là Hoàn Ngọc và Kê Gà. Nhưng vị trí khu vực Kê Gà được chọn vì phù hợp phát triển cảng nước sâu, có thể  tiếp tàu từ năm vạn – tám vạn tấn.

Đồng thời, tại cảng này, cũng phân chia khu vực để làm cảng xuất khẩu vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, nông sản và là cầu cảng đón tàu du lịch quốc tế như Star Cruises chẳng hạn. Ngoài ra tỉnh cũng cần sân bay, đường cao tốc để tạo đà phát triển Bình Thuận”.

Ông Thu cũng thừa nhận việc xảy ra đối với các nhà đầu tư du lịch ở mũi Kê Gà là sự đáng tiếc và tầm nhìn của tỉnh còn nhiều vấn đề. Bởi ban đầu khu vực Kê Gà do khó khăn về địa thế  nên tỉnh dự kiến nuôi tôm và sau đó điều chỉnh để phát triển du lịch. Khi cấp đất cho các nhà đầu tư, tỉnh chưa nghĩ đến lượng khoảng sản Titan nằm ở khu vực này theo dự kiến, số lượng bao trùm trên diện rộng đến 240.000 ha diện tích ven biển.  

Theo ông Thu, khi quyết định thực hiện chủ trương xây dựng cảng Kê Gà, đã có 21 dự án được cấp trước đó bị thu hồi. Ông Thu thừa nhận siêu dự án nói trên chỉ được đưa vào kế hoạch phát triển cảng biển và đến hiện tại chưa có cơ sở pháp lý nào. Tuy nhiên, tỉnh vẫn thông báo trước các nhà đầu tư làm các dự án du lịch nhằm tránh thiệt hại, tránh lãng phí. Hiện tại tỉnh đã giao Sở KHĐT tìm vị trí đất để hoán đổi.

Với những gì mà chúng tôi viện dẫn trong loạt bài này cho thấy siêu dự án cảng nước sâu cảng Kê Gà cần phải được Quốc hội và Chính phủ cùng chính quyền tỉnh Bình Thuận cân nhắc bởi viễn cảnh “thủ đô resort” vốn là thế mạnh của ngành du lịch tỉnh sẽ bị xoá sổ do tác động môi sinh về việc khai thác titan và vận chuyển bô xít cũng như nhiều di tích khác cũng theo đó có thể không còn nữa đặc biệt là Hải đăng Kê Gà. 

Trong một văn bản gửi đến các chủ resort, UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận việc quy hoạch cảng Kê Gà đã làm ảnh hưởng và thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch, UBND tỉnh rất cảm thông (!).

Ngày 25-6-2009, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản về chính sách đền bù cho các resort bị thu hồi, giải tỏa. Theo đó sẽ đền bù đất theo giá nhà nước và hoàn trả các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư dự án nhưng phải có chứng từ hợp lý, hợp lệ kèm theo.

Nhiều nhà đầu tư nơi này chua chát rằng, để được đầu tư du lịch tại đây họ đã tốn rất nhiều công sức, nhiều khoản tiền chi phí không tên thì họ lấy đâu ra chứng từ để thanh toán?

MỚI - NÓNG