Viễn thông VN sẽ phát triển mạnh trong 3 năm tới

Viễn thông VN sẽ phát triển mạnh trong 3 năm tới
TPO – Đây là nhận định của nhiều chuyên gia viễn thông trong và ngoài nước tại hội thảo chuyên đề “Viễn thông VN" trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư VN lần 2 tổ chức ngày hôm nay, 20/3, tại Hà Nội.
Viễn thông VN sẽ phát triển mạnh trong 3 năm tới ảnh 1
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường viễn thông VN đang trong giai đoạn tăng trưởng mới. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông đến từ các nước trong khu vực thì thị trường viễn thông Việt Nam hiện là khu vực phát triển nhanh thứ hai trên thị trường viễn thông ASEAN với khoảng 14 triệu thuê bao trong các dịch vụ viễn thông và hơn 10 triệu người sử dụng Internet.

Nếu xét trong khu vực thì ngành viễn thông Việt Nam đang dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á. Dự báo trong năm 2007 sẽ là thời điểm khu vực này tăng trưởng và phát triển rất mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Vũ, Giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông Altimo (Nga) khẳng định: “Trong những năm tới, viễn thông Việt Nam tiếp tục có những bước tăng trưởng lớn. Điều này là do nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đạt mức tăng trưởng rất cao đầy ổn định. Bên cạnh đó sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào đầu năm 2007 cũng là một lực hút lớn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này”.

Cũng theo đánh giá của ông Vũ, việc Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện các cam kết mở cửa sẽ càng lôi kéo được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn nữa do những hạn chế đã được giảm bớt.

Một điều dễ nhận thấy nhất trên thị trường viễn thông hiện nay đó là sự mở rộng, đa dạng hóa các loại hình hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Nếu trước đây các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn bắt tay với các doanh nghiệp viễn thông trong nước thì chỉ có thể thực hiện với hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Hiện nay, việc thực hiện các cam kết WTO giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia thị trường phát triển khá sôi động này với hình thức liên doanh (JV)…

Cùng chia sẻ nhận định trên, ông Jean-Pierre Achouche, Tổng giám đốc tập đoàn viễn thông hàng đầu nước Pháp France Telecom cũng cho rằng việc mở rộng hình thức đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường viễn thông Việt Nam sẽ tạo ra một “lực hút lớn” về vốn đầu tư.

“Theo nhận định của tôi, thị trường và dịch vụ viễn thông của Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất nhanh chóng trong vòng 3 năm tới, đặc biệt là sự phát triển mạnh của  dịch vụ Internet băng thông rộng”- Ông Jean-Pierre Achouche nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mike Geoghegan, Tổng GĐ tập đoàn HSBC, cũng bày tỏ sự ấn tượng khi thấy dân số trẻ của Việt Nam hiện tiếp cận rất nhiệt tình và nhanh nhạy đối với các sản phẩm dịch vụ kỹ thuật cao.

Theo đó hiện ở Việt Nam có tới 17% dân số sử dụng Internet, cao hơn mức trung bình của châu Á là 10%, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. “Chỉ tính riêng năm 2006, số lượng thuê bao điện thoại cung tăng hơn 70% so với năm 2005. Những yếu tố trên đang góp phần vào việc tạo nên sự thu hút riêng của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”- Ông khẳng định.

VN cần đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng mạng

Một vấn đề lớn cũng được các chuyên gia viễn thông cảnh báo đối với thị trường viễn thông hiện nay của Việt Nam đó là sự phát triển nhanh chóng về số lượng thuê bao hiện nay đang là “mối đe dọa” tiềm ẩn đối với cơ sở hạ tầng mạng ở Việt Nam

Theo ông Chris Bergmann, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của tập đoàn Asia Netcom khẳng định: “Việc phát triển, mở rộng thị trường là vấn đề quan trọng nhưng để tiếp tục phát triển thì cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốt thì mới đảm bảo được chất lượng dịch vụ và đây là một trong những tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn nhà cung cấp”.

Bên cạnh những cảnh báo về việc cần lưu ý đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, các chuyên gia viễn thông cũng cho rằng Chính phủ phải tạo ra khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và tìm ra những biện pháp tốt nhất để thu hút đầu tư mà một trong số đó là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông.

Theo đánh giá, dù Việt Nam đã công bố thời gian và tên của các doanh nghiệp viễn thông (như Vinaphone, MobiFone…) sẽ phải thực hiện việc cổ phần hóa trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 nhưng việc tiến hành cổ phần hiện nay quá chậm.

“Các nhà đầu tư nước ngoài trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp cổ phần trong nước là rất tốt. Với lợi thế là có nguồn vốn lớn, kinh nghiệm nên các doanh nghiệp nước ngoài có thể hỗ trợ cácdoanh nghiệp trong nước tăng trưởng đồng thời cung cấp các dịch vụ mới nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng đa dạng của thị trường”- Ông Jean –Pierre Achouche nói.

Cũng theo đánh giá của vị đại diện tập đoàn Asia Netcom thì Việt Nam có chính sách rộng mở hơn về cổ phần hóa so với Trung Quốc và tự do hóa rộng hơn so với Thái Lan. Chính vì vậy Việt Nam cần phải đảm bảo cân bằng giữa mở cửa thị trường với giá trị của các công ty thuộc doanh nghiệp Nhà nước. Đây là quá trình phức tạp, cần nhiều thời gian nên Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Cũng theo đánh giá của các đại biểu, việc cổ phần hóa lĩnh vực viễn thông sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất dần đi miếng bánh thị phần khá béo bở dù đây là vấn đề từng xảy ra tại tất cả các nước. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa này sẽ mang lại những lợi ích như thúc đẩy lĩnh vực viễn thông phát triển mạnh hơn đồng thời khiến cho năng lực cạnh tranh của các công ty trong nước được nâng cao.

MỚI - NÓNG