Việt Nam cần tỉnh táo trước tình hình kinh tế

Việt Nam cần tỉnh táo trước tình hình kinh tế
TP - Ông Daniel M. Price-Trợ lý cho Tổng thống Mỹ George W. Bush đồng thời là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia  Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế quốc tế- đã đưa ra lời khuyên như vậy.
Việt Nam cần tỉnh táo trước tình hình kinh tế ảnh 1
Ông Daniel M. Price - Trợ lý Tổng thống Mỹ G.Bush tại cuộc họp báo  ở Hà Nội 21/3/2008  Ảnh: Đ.P

Chiều ngày 21/3 tại cuộc họp báo ở Hà Nội, khi được hỏi ông có lời khuyên nào để giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn về kinh tế hiện nay, ông Price nói rằng Chính phủ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức kinh tế. Việt Nam phải tự quyết định việc chọn cách nào để vượt qua những thách thức đó.

Ông nói: “Nếu được đề nghị đưa ra một lời khuyên đối với Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở những điều mà tôi quan sát được thì  lời khuyên đó là Việt Nam hãy tỉnh táo đừng phản ứng thái quá đối với tình hình kinh tế hiện nay”. 

Ông Price nói rằng bản thân ông không biết đã có một sự phản ứng thái quá nào hay chưa. Nhưng ông cho rằng khi nền kinh tế đang trải qua những biến động, Chính phủ cần phải có những biện pháp và những bước đi được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông cho biết, tại cuộc họp tư vấn với nhóm các quan chức kinh tế cao cấp của Việt Nam ngày 21/3, bản thân ông đã nói người Việt Nam cần có niềm tin rằng những thách thức hiện nay sẽ được giải quyết một cách thận trọng và có tính toán kỹ.

Về câu hỏi Việt Nam cần làm gì để hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình nhằm đảm bảo cho việc hội nhập kinh tế quốc tế thành công, ông Price nói rằng câu trả lời chính là việc thực hiện sáng kiến Đề án 30 hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Ông cho rằng Đề án 30 này rất tuyệt vời. Trọng tâm của Đề án là đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.

Ông nói: “Chắc chắn đây là một mảng quan trọng trong một bức tranh lớn. Một điều quan trọng nữa là Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho phép khu vực tư nhân đóng vai trò ngày càng to lớn hơn trong phát triển kinh tế. Ngoài ra Việt Nam còn đang thực hiện những cam kết của mình cho phép tăng phần góp vốn của nước ngoài vào các doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp”.

Ông Daniel M. Price từng là cố vấn cho hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Daniel M. Price cho biết ngày 21/3 ông có các cuộc đàm phán tuyệt vời với các Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Công Thương, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và Thứ trưởng Tài chính của Việt Nam.

Daniel M. Price cho biết, đến Việt Nam lần này ông có 3 đích: Một là để nhấn mạnh việc Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai là, thảo luận và nhấn mạnh những cam kết của Mỹ muốn làm việc với Việt Nam để làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước và để giúp Việt Nam tiếp tục hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Ba là, nhấn mạnh việc Mỹ coi trọng quan hệ với ASEAN cũng như cam kết Mỹ muốn đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập kinh tế.

Daniel M. Price cho biết, theo quan sát của ông thì quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển rất nhanh chóng kể từ năm 1995 khi  hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông nói: Các chuyến thăm của Tổng thống Bush đến Việt Nam tháng 11/2006 và của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ hồi tháng 6/2007 đã phản ánh sự phát triển của quan hệ song phương. Nền tảng cho mối quan hệ đó là các hiệp định về thương mại và đầu tư mà hai nước đã cùng nhau ký kết.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là thị trường quan trọng của Mỹ với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam năm 2007 tăng 73% so với 2006. Mỹ là nước đứng hàng thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Price nói rằng để tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước, Mỹ đang trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam trong những nỗ lực cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế và đặc biệt là tập trung vào vấn đề minh bạch hóa.

Ông cho biết Hoa Kỳ rất hoan nghênh sáng kiến táo bạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nỗ lực cải cách hành chính trong Đề án 30. Đề án này liên quan đến 24 bộ và 64 tỉnh thành nhằm rà soát lại luật pháp và làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong giai đoạn từ nay đến 2010.

Điều này rất có lợi cho môi trường đầu tư trong nước và nước ngoài. Hoa Kỳ ủng hộ Đề án này thông qua chương trình trợ giúp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tăng tốc thương mại song phương cũng như tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, hai nước còn đang bắt đầu thảo luận về một hiệp định đầu tư song phương.

Ông Price cho rằng đây là bước lôgíc tiếp theo trong quá trình làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ông nói: Việc ký kết được hiệp định này sẽ là một thông điệp rằng Việt Nam mở cửa đối với đầu tư nước ngoài và rằng cuộc cải cách trong nước của Việt Nam trong mấy năm qua là nghiêm chỉnh.

Đặc biệt là hiệp định đó sẽ tạo ra sự không phân biệt đối xử trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như phân phối, viễn thông, và dịch vụ tài chính vốn là động lực của phát triển kinh tế.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.