Việt Nam - cô gái đẹp đang mỉm cười

Việt Nam - cô gái đẹp đang mỉm cười
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phiên - Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Amata VN, nguyên hiệu trưởng Trường Công nghệ cao thuộc Viện Công nghệ châu Á - nói: “Từ năm 2006, tôi tin kinh tế VN sẽ khởi sắc”.
Việt Nam - cô gái đẹp đang mỉm cười ảnh 1
"Nếu chúng ta không kịp chuẩn bị và không thể chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng bước vào một sân chơi mới, khi hội nhập sẽ là một giai đoạn rất đáng lo ngại"

TS Hùynh Ngọc Phiên phân tích: Có nhiều lý do để tôi nói như vậy, vì tình hình phát triển chung ở VN có những tín hiệu khả quan. Theo tôi được biết, hiện nhiều nhà đầu tư của Nhật và Mỹ đang tìm mọi cách đưa nền sản xuất của họ ra nước ngoài.

Những công ty nhỏ cũng đang định hướng đưa sản xuất của họ ra một số nước, trong đó VN là một lựa chọn ưu tiên. Vì sao? Chính sách của VN ngày một thoáng hơn, có thị trường hơn 80 triệu dân - rất hấp dẫn và đáng được chú ý.

Về tài nguyên, có lẽ VN không có “rừng vàng biển bạc” như người ta thường nói, nhưng là một nước giàu tài nguyên. Về điều kiện kinh doanh, VN cũng là nơi rất tốt vì lực lượng lao động trẻ rất đông, 60-63% dân số dưới 40 tuổi.

Về tính cách chăm chỉ, cần mẫn, ham học hỏi…, người Việt không thua kém các dân tộc khác. Một vấn đề rất quan trọng ngày nay là tình hình an ninh được đảm bảo và ổn định. Theo tôi, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để VN có thể hấp dẫn các nhà đầu tư.

Việt Nam - cô gái đẹp đang mỉm cười ảnh 2

Ông Huỳnh Ngọc Phiên hoàn thành học vị tiến sĩ khoa học kỹ thuật năm 1978 tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), được phong phó giáo sư năm 1982 và giáo sư năm 1990. Ông đảm nhận chức hiệu trưởng Trường Công nghệ cao thuộc AIT từ 1998-2004. Từ năm 1992, ông là cố vấn cho tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Amata (Thái Lan) và giữ chức phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh của tập đoàn này vào năm 1999. Từ năm 2005, ông là tổng giám đốc Amata VN.

Tôi cho rằng VN sẽ trở thành một nước có vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế những năm sắp tới. Đối với quốc tế, VN giống như một cô gái đẹp đang mỉm cười.

Nhiều người gọi đây là “thời cơ vàng” để  VN vươn lên. Ông chia sẻ điều này như thế nào?

Tôi cũng nghĩ đây thật sự là “thời cơ vàng”. Đất nước VN vừa có yếu tố địa chính trị ổn định, vừa có thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Thật sự nhiều nước trên thế giới rất ngạc nhiên khi VN trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, đứng đầu xuất khẩu tiêu, còn cá chỉ trong thời gian ngắn xuất khẩu được 1 tỉ USD, gần đây nhất là đồ gỗ.

Tôi nghĩ khả năng tiềm tàng và cạnh tranh của VN ở một số lĩnh vực không tồi, chỉ có điều chính sách quản lý của Nhà nước có lẽ đến lúc cần suy nghĩ lại.

Ở Ấn Độ, khi nền công nghệ thông tin nước này phát triển, chính phủ mời các nhà đầu tư đến và hỏi rằng “các anh cần gì để chính phủ giúp”, các nhà đầu tư trả lời rằng “nếu muốn giúp chúng tôi, tốt nhất chính phủ đừng can thiệp gì cả”.

Có lẽ ở một số ngành, nhà nước VN đừng áp đặt quản lý hành chính nặng nề mà nên kích thích các thành phần kinh tế tự lực và hãy để yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ uốn nắn cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước cũng đừng sát sao quá đối với các doanh nghiệp.

Tôi thấy ở VN có tình trạng cái gì nhắm không quản lý được là ngăn cấm. Còn ở Thái Lan thì ngược lại, những cái họ chưa chắc chắn là tốt hay xấu, họ sẽ quan sát và để cho tư nhân làm, dần dần nhà nước sẽ đưa chính sách quản lý thích hợp sau đó.

Nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng khá chậm, theo ông, tại sao?

Phải thẳng thắn mà nói: sự phát triển của VN những năm qua gần như là một phép lạ trong mắt của người nước ngoài. Tiến bộ của VN hiện nay là vượt bậc. Có những ngành tiến rất nhanh, nhưng có lĩnh vực gần như bị “thắng” bớt lại. Một số lĩnh vực phát triển chậm là vì bộ máy quản lý không đồng đều.

Những năm gần đây vai trò của các tỉnh là rất quan trọng, đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh. Với những nhà đầu tư như chúng tôi, sự cạnh tranh này mang tính tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Nếu lãnh đạo tỉnh A làm tốt, tỉnh B làm chưa tốt, lãnh đạo tỉnh B sẽ khó ngồi yên với dân, với dư luận…

"Làm kinh tế trong thời buổi cạnh tranh quốc tế giống như một cuộc đua ghe trên dòng sông. Những anh mạnh, vượt lên đi trước sẽ tạo sóng rất dữ. Còn những anh lẹt đẹt theo sau sẽ mệt nhoài vì sóng, đã yếu lại càng khó khăn hơn".

Tôi cho đây là cái hay, là động lực để các vị lãnh đạo ấy làm tốt hơn. Ví dụ ở Đồng Nai, các nhà đầu tư gặp lãnh đạo rất dễ và các nhà đầu tư rất hài lòng với việc này. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư rất quan trọng. Với các nhà đầu tư, có chỗ và có người để họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng là điều an ủi họ rất nhiều.

Ở nước ta có cái dở là từ chính sách cho đến thực thi còn khoảng cách rất xa. Nhiều lĩnh vực chúng ta chưa dám đi tiên phong. Các chính sách ưu đãi của VN không dám ra trước, cứ giữ thái độ chờ đợi. Hễ thấy các nước thay đổi, chúng ta mới thay đổi và khi thấy các nước đặt ra mức ưu đãi nào đó thì chúng ta cho ưu đãi hơn một chút. Chính vì vậy các nhà đầu tư không thấy rõ những cái hơn của nước ta so với các nước khác.

Theo ông, VN sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ hay vẫn chậm chạp trong những năm tới?

Nỗ lực trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chứng tỏ sự cố gắng và quyết tâm thay đổi của VN. Một khi đã chấp nhận tham gia các cuộc chơi quốc tế, chúng ta buộc phải chấp nhận cách hành xử theo các chuẩn mực quốc tế. Khi đó, tất cả mọi người làm kinh doanh ở VN, kể cả các công ty trong nước, có nhiều cơ hội để xét lại bản thân mình mạnh điểm nào, yếu ở đâu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở nước ta ít chuẩn bị quá. Nếu không chuẩn bị chu đáo, khi VN gia nhập các tổ chức quốc tế, vô hình trung VN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ của những nước khác. Điều này đáng lo ngại hơn cả. Nhưng tôi nghĩ đôi khi cần phải có sự cọ xát như vậy các công ty VN mới phát triển tốt hơn.

Kinh tế VN đã từng trải qua những thời kỳ vô cùng khó khăn nhưng cũng vượt qua được, tôi tin lần này VN cũng sẽ đáp ứng được thách thức mới, tuy rất nghiệt ngã nhưng cũng không ít cơ hội để lớn mạnh.

Theo ông, cần phải thay đổi điều gì để VN không chỉ là một cô gái đẹp đang mỉm cười mà còn là một cô gái duyên dáng và nết na?

Đây là điều đáng suy nghĩ. Nếu chúng ta nắm bắt được thời cơ và các điều kiện thuận lợi hiện nay, VN sẽ tạo được nền tảng vững chắc để phóng trong năm, bảy năm tới. Năm, bảy năm tới đây là cơ hội để lực lượng trẻ thi thố tài năng đóng góp xây dựng đất nước. Từ đây đến 2010 còn là thời gian quí báu để VN làm quen với sân chơi mới, đó là sân chơi tự do và bình đẳng.

Nếu chúng ta không kịp chuẩn bị và không thể chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng bước vào một sân chơi mới, khi hội nhập sẽ là một giai đoạn rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng 2006 – 2010 là một giai đoạn rất quan trọng đối với VN. Nếu làm tốt, VN sẽ có vị trí rất sáng sủa. Còn ngược lại, khả năng thụt lùi sẽ cao hơn.

Xin cảm ơn tiến sĩ.

Theo Quốc Thanh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG