Việt Nam có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài

Việt Nam có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài
TPO - Báo cáo mới nhất về Đông Á & Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay, cho thấy Việt Nam vẫn là nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài.
Việt Nam có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài ảnh 1
Việt Nam là một trong những nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài.

Bản báo cáo nhan đề Liệu tự cường có giúp vượt qua được rủi ro” cũng cho biết, các nền kinh tế Đông Á sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2008, bất chấp những lo ngại đang gia tăng về cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính thứ cấp tại Mỹ và giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo cập nhật 6 tháng một lần về tình hình kinh tế và xã hội của khu vực - cho thấy, tăng trưởng tại các nền kinh tế Đông Á mới nổi dự kiến vượt mức 8% năm 2007 trong năm thứ hai liên tiếp và giảm nhẹ trong năm 2008.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ diễn ra tại các nền kinh tế có thu nhập trung bình tại Đông Nam Á và tiếp tục tăng trưởng ở mức vững chắc từ 7 - 10% ở các nền kinh tế có thu nhập thấp trong khu vực gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ và Việt Nam.

“Tác động của cuộc khủng hoảng trên thị trường thứ cấp Mỹ và giá dầu tăng cao đã làm tăng các rủi ro. Mặc dù vậy, chúng tôi dự kiến động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong khu vực sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2008” - Ông Milan Brahmbhatt, tác giả chính của báo cáo khẳng định.

Báo cáo cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc trong năm 2007, chủ yếu nhờ nguồn thu từ xuất khẩu phi dầu khí, đầu tư và tiêu dùng tư nhân. GDP tăng 8,3% trong 9 tháng đầu năm 2007, trong đó ngành chế tạo và công nghiệp tăng tương ứng 12,5% và 10,2%.

Ngành dịnh vụ đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trong 9 tháng qua (ở mức 8,5%) nhờ sự phát triển mạnh của ngành bán lẻ, du lịch, giao thông và dịch vụ tài chính.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh (19,4% năm), mặc dù xuất khẩu dầu thô giảm 10% do hạn chế về năng lực sản xuất. Mặt khác, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, may mặc và giày dép tiếp tục tăng. Xuất khẩu hiện tại chiếm khoảng 72% GDP.

Trong số các đối tác thương mại thì Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm gần 1/5 hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo sau là EU, ASEAN và Nhật Bản.

Ngành dệt may, một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng xuất khẩu trong những năm gần đây, đã tăng mức doanh số tại thị trường nước ngoài gần 32% trong 9 tháng đầu năm.

Việt Nam hiện là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm 60%.

Nhập khẩu tăng 30% tính đến tháng 9/2007 do nhu cầu đầu tư tăng và nhu cầu nhập khẩu đầu vào của quá trình mở rộng sản xuất công nghiệp. Sự tăng trưởng nhanh của nhập khẩu dẫn đến tỷ lệ thâm hụt thương mại cao, dự tính đạt 7% GDP năm 2007.

Nguồn đầu tư gián tiếp cũng tăng nhanh năm 2006 và đầu năm 2007 do thị trường vốn phát triển nhanh chóng bao gồm cả một thị trường chứng khoán phát triển bùng nổ. Nguồn dự trữ ngoại tệ đã tăng nhanh từ mức 8,6 tỷ USD năm 2005 lên 11,5 tỷ USD năm 2006 và dự kiến đạt trên 20 tỷ USD vào cuối năm 2007.

Nợ nước ngoài chiếm 31% GDP theo tỷ lệ danh nghĩa và 22% theo tỷ lệ thực. Theo diễn biến hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước có mức rủi ro thấp về nợ nước ngoài.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào ổn định

Bản báo cáo cũng dành một phần không nhỏ đánh giá về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Báo cáo khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh trong 2 năm qua.

Vào cuối năm 2005, chỉ có 41 công ty niêm yết, với tỷ lệ vốn trên thị trường chứng khoán thấp hơn 1 tỷ USD, tương đương với 1,2% GDP. Đến cuối tháng 9/2007, số các công ty niêm yết đã tăng lên 206, tổng giá trị thị trường chứng khoán vượt mức 22 tỷ đô la, tương đương với 32,4% GDP.

Theo đánh giá của các tác giả bản báo cáo, sau một giai đoạn tăng nhanh, đến tháng 3/2007, thị trường hiện nay đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm Bảo Việt đã không thu được kết quả mong muốn trong lần phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO).

“Việc niêm yết một số Cty nhà nước và ngân hàng thương mại trong những tháng tới có thể tạo sức ép giảm giá chứng khoán. Chính phủ đang cân nhắc thời điểm niêm yết trong thời gian tới do lo ngại giá chứng khoản giảm sút mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là mua vào song số lượng giảm đi” - Các tác giả viết.

Do xu hướng giảm nhiệt của thị trường nên các biện pháp kiểm soát vốn đã được thực hiện trước đây có thể sẽ không được thực hiện nữa. Tuy nhiên, yêu cầu về công khai chặt chẽ hơn, bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn và mức giới hạn cao hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể là cần thiết để duy trì động lực phát triển.

MỚI - NÓNG