Tuần báo Công nghiệp Mỹ:

Việt Nam có nhiều “chìa khóa” thu hút đầu tư nước ngoài

Việt Nam có nhiều “chìa khóa” thu hút đầu tư nước ngoài
TP - Việt Nam nhanh chóng thu hút đầu tư hàng đầu từ các Cty Mỹ nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ, lực lượng lao động có trình độ và mối lo ngại về chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao.
Việt Nam có nhiều “chìa khóa” thu hút đầu tư nước ngoài ảnh 1
Tỉnh Bình Dương khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh: TTXVN

Theo tuần báo hàng đầu của Mỹ IndustryWeek (số ra ngày 6/6), nhiều Cty Mỹ xem Việt Nam như là sự thay thế thực sự đối với Trung Quốc tại châu Á trong việc thành lập cơ sở sản xuất, trung tâm phân phối sản phẩm...

IndustryWeek phân tích về các “chìa khóa” giúp Việt Nam thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để các Cty Mỹ tham khảo.

Lực lượng lao động

So với nhiều nước châu Á láng giềng, tỷ lệ chi phí lao động ở Việt Nam khá rẻ. Với các thợ máy làm việc trong nhà máy, lương trung bình là 200 USD/tháng, trong khi các giám đốc hoặc kỹ sư bậc cao được trả 1.500 USD/tháng.

Thời gian làm việc ở Việt Nam là 48 giờ/tuần và các chương trình xã hội do Nhà nước quản lý chỉ chiếm khoảng 25% chi phí về lương. Trong khi đó, Trung Quốc có tuần làm việc 40 giờ, chi phí về xã hội chiếm 50 – 60% số lương.

Lực lượng lao động Việt Nam được giáo dục tốt và ham học hỏi. Tuổi trung bình của các thợ máy là 24 và tỷ lệ lao động biết tiếng Anh ngày càng tăng nhờ tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ 2 và các trung tâm Anh ngữ mọc lên khắp nơi.

Thuế linh hoạt

Kinh tế Việt Nam hiện nay là giai đoạn Trung Quốc đã trải qua cách đây 10 - 12 năm. Vì thế các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội đã có được những bài học giá trị từ mô hình phát triển của Trung Quốc.

Chính phủ (Việt Nam) đã triển khai chương trình thuế thu nhập DN khá linh động, mang tính khích lệ. Theo đó, trong 4 năm đầu, DN nước ngoài được miễn thuế thu nhập DN.

Trong 7 năm tiếp theo, DN nước ngoài chỉ phải nộp thuế thu nhập DN bằng ½ so với mức thông thường. Mức thông thường có thể là 10%, 15% hoặc 20% tùy theo ngành công nghiệp, lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư.

Muốn lựa chọn địa điểm để đầu tư, Cty nước ngoài nên tới thăm các khu công nghiệp (KCN) với nhiều loại hình khác nhau và có thể thảo luận về thuế cũng như những tiêu chuẩn để có thể giành được sự ưu đãi về thuế. Còn có cả những chương trình miễn thuế hấp dẫn khác.

Ông Charlie Blocker, Giám đốc điều hành tập đoàn Gannon Pacific, đánh giá: “Chính sách thuế linh hoạt của Chính phủ Việt Nam nằm trong số tốt nhất ở châu Á và các Cty thừa nhận rằng chính sách này giúp họ tránh được sức ép về tài chính”.

Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng Việt Nam đang phát triển nhanh để đáp ứng làn sóng mới về FDI. Mặc dù trên lĩnh vực này vẫn đứng sau Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam cam kết phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng, đặc biệt về điện, nước, cảng biển, viễn thông.

Trong 2 năm qua, Việt Nam đã đầu tư khoảng 10% GDP vào cơ sở hạ tầng. Tới năm 2012, Việt Nam sẽ vượt qua cột mốc lịch sử về hậu cần thông qua các cảng nước sâu và hệ thống giao thông trên bộ.

Sự phát triển này sẽ tạo ra lợi thế lớn về cạnh tranh cho Việt Nam và giúp các nhà đầu tư có thể thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu ra ASEAN, Trung Quốc, Bắc Mỹ.

Sở hữu trí tuệ (IP) và nền tảng pháp luật

Để đáp ứng các cam kết khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc bảo vệ IP và cho ra đời các đạo luật để bảo vệ nhà đầu tư.

Hệ thống luật pháp liên quan tới đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện tạo ra một môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch cho các hoạt động đầu tư.

Cơ sở sản xuất sẵn có

Việt Nam đã xây dựng một số lượng khá nhiều các “công viên kinh doanh”. Giá cho thuê đất nói chung rẻ hơn Trung Quốc, trung bình 20 - 25 USD/m2 trong vòng 50 năm.

Riêng năm 2006, có 5,68 tỷ USD đổ vào các khu công nghiệp (IZ) và Khu chế xuất (EPZ). Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM là nơi hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư với 213 dự án.

Cuối cùng IndustryWeek kết luận: Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư với tiềm năng kinh tế lớn và đang là sự lựa chọn thay thế hàng đầu cho các Cty muốn đa dạng hóa đầu tư ở châu Á.

Với chi phí lao động không đắt, chính sách thuế linh hoạt và cơ sở hạ tầng đang phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho các Cty Mỹ. 

MỚI - NÓNG