Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tăng trưởng kinh tế

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tăng trưởng kinh tế
TPO- Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại cuộc hội thảo có chủ đề “Biến động của Thị trường Thương mại” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Asian Banker 2008 ngày 18/3.

Ngoài những trao đổi về những chủ đề liên quan đến phạm vi và các kỹ thuật đối với biến động giao dịch tại châu Á, các đại biểu dự Hội thảo khi trao đổi với PV Tiền phong Online cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay là làm sao để cân đối giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.

Theo đó bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ngoài việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Việt Nam cũng cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, chất lượng quản lý và xây dựng hệ thống tài chính tổng thể.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng có rất nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là hướng tới thị trường tài chính ngân hàng.

Phát biểu bên lề Hội nghị, Ông Emmual Daniel, Chủ tịch và Tổng biên tập Tạp chí The Asian Banker, (đơn vị cùng tổ chức hội nghị) cho rằng, với lợi thế về nguồn nhân lực và nền kinh tế đang trên đà phát triển cùng với các cam kết WTO, Việt Nam sẽ trở thành nước có nhiều tiềm năng và sẽ đạt được tốc độ kinh tế phát triển cao trong những năm tới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó lớn nhất là các thông điệp gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng và vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu.

“Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua được các thách thức này vì con người Việt Nam rất chăm chỉ, năng động và thông minh và Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước”- Ông nói.

Việt Nam đang mở ra một cơ hội mới đầy năng động

Đánh giá về tình hình kinh tế cũng như triển vọng đầu tư tại Việt Nam khi chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp, ông Howard F. Bascom, Giám đốc Điều hành Ngân hàng New York Mellon (đại diện thành viên của Hiệp hội toàn cầu các ngân hàng về Tài chính và Thương mại (BAFT) có trụ sở tại Mỹ) cũng có ý kiến cho rằng giới tài chính nói riêng và thương mại quốc tế nói chung nhận thấy Việt Nam đang mở ra một cơ hội mới đầy năng động trong khối ASEAN.

“Hiện châu Á được coi là một thị trường kinh doanh khổng lồ và phần lớn các hoạt động xuất khẩu trên thế giới đều đến từ đây. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có sự tăng trưởng nhanh về xuất khẩu trong khu vực và đó là một trong những nhân tố chính khiến châu Á trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế thế giới”, ông Howard F. Bascom nói.

Về phần mình ông Jeremy J.O’B. Wilson, Phó chủ tịch Ngân hàng Thương mại Barclays, một thành viên Ban quản trị của BAFT, cũng cho rằng chính khả năng cung cấp hàng hoá rất lớn từ châu Á đã giúp khu vực này thu được khá nhiều lợi nhuận mà khoản lợi nhuận này đang chờ để được đầu tư vào các nước khác trên thế giới. Đây cũng là lý do vì sao BAFT đang dành mối quan tâm đặc biệt tới châu Á, trong đó có Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.