Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư

Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư
"So với trước, môi trường đầu tư của VN đã có nhiều cải thiện. Sau các nước NIES, các nước ASEAN phát triển, VN được giới đầu tư quốc tế đánh giá như một con rồng châu Á tiếp theo."
Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư ảnh 1

Phỏng vấn của báo giới với ông Mikio Takeuchi - chuyên gia Trung tâm tài chính quốc tế Nhật Bản.

Thưa, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư hiện nay của VN?

Kết quả điều tra của Trung tâm tài chính quốc tế Nhật Bản trong hai năm 2004, 2005 cho thấy, trong 4 địa chỉ đầu tư có triển vọng gồm Trung Quốc, VN, Thái Lan và Indonesia, sự quan tâm về VN của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản rất cao, đứng vị trí thứ hai.

Lý do khiến VN đang là điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài chính là sự ổn định về chính trị, xã hội, sức lao động chất lượng cao, giá rẻ, và những thay đổi tích cực theo hướng phát triển kinh tế thị trường của Chính phủ và các doanh nghiệp VN...

Bên cạnh đó cũng phải kể đến các yếu tố như: Hiệp định đầu tư Việt - Nhật có hiệu lực từ năm 2004; giữa năm ngoái, VN được các tập đoàn đánh giá tín nhiệm quốc tế như Mudezu, Standard&Poor nâng bậc trong bảng xếp hạng... đã kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang có xu hướng phá vỡ sự tập trung đầu tư vào một khu vực, mà phân tán để tránh rủi ro. Vì thế, với những ưu thế thuận lợi của mình, VN được coi là một điểm đầu tư hấp dẫn. Và khả năng thu hút đầu tư sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn khi VN gia nhập WTO.

Ông có cho rằng thông tin về môi trường đầu tư ở VN hiện nay đã đáp ứng đầy đủ cho các doanh nghiệp Nhật Bản?

Trước đây, gần một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết thiếu thông tin về môi trường đầu tư ở VN, nhưng theo kết quả điều tra mới đây, con số này chỉ còn khoảng 30%.

Tuy nhiên, đây vẫn là con số cao. Hiện vẫn còn nhiều lời phàn nàn từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản là thiếu thông tin về đầu tư vào VN. Do thiếu thông tin cần thiết nên nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể lập kế hoạch đầu tư vào VN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư VN cũng đã có trang web, nhưng thông tin của trang web này còn hạn chế, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Nhật.

Tôi cho rằng thời gian tới, VN cần xúc tiến quảng bá thông tin mạnh hơn nữa, đặc biệt là thông tin bằng tiếng Nhật, Trung, Hàn. Trong đó, nên tập trung chú trọng đến việc quảng bá các thông tin chung về môi trường, cơ chế thu hút đầu tư... nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư ở VN.

Ngoài việc thiếu thông tin, ông cho rằng những vấn đề nào còn đang khiến các doanh nghiệp Nhật Bản băn khoăn khi đầu tư vào VN?

Sự hoàn thiện và ổn định của hệ thống chính sách pháp luật. Tôi cho rằng đây là một trong những quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác khi tìm hiểu thâm nhập thị trường VN.

Mặc dù có những cải thiện tích cực nhất định về môi trường đầu tư, kinh doanh, song việc sửa đổi các luật, chính sách một cách nhanh chóng ở VN thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, khiến rủi ro tăng cao.

Bên cạnh đó, ở VN hiện nay còn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ của các cơ sở hạ tầng, trong đó nổi lên là tình trạng thiếu điện, thiếu các cảng đường bộ, đường thủy...; ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỉ lệ tự cung cấp nguyên vật liệu tại chỗ của VN so với các nước ASEAN khác mới chỉ bằng một nửa; thiếu lao động lành nghề, bất cập trong tuyển dụng lao động…

Những vấn đề này đang phần nào cản trở việc mở rộng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại VN.

Theo ông, VN cần cải thiện những vấn đề này như thế nào trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả của việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài?

Theo tôi, những việc cần làm trước mắt là VN cần đảm bảo tính minh bạch của việc sửa đổi và vận dụng luật, chính sách, nâng cao tính xác thực của việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở. Đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thu hút nhiều lao động, như ngành lắp ráp, dệt may, chế biến nông sản...; Xoá bỏ những bất cập trong tuyển dụng lao động…

Bên cạnh đó, khả năng các tập đoàn lớn Nhật Bản sẽ đầu tư vào VN nhiều hơn nếu các nhà lãnh đạo VN dành thời gian tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với họ, từ đó kêu gọi đầu tư.

Nếu các tập đoàn lớn đầu tư vào VN, thì đây là cách tốt nhất để quảng bá và thu hút nhiều tập đoàn lớn khác của Nhật Bản đầu tư theo.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng đầu tư tại VN với nhiều dự án quy mô lớn. Điều này thể hiện hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại VN đang tiến triển tốt đẹp.

Ông dự đoán gì về xu hướng đầu tư mới của Nhật Bản vào VN thời gian tới?

Trong tương lai gần, tôi cho rằng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào VN tiếp tục tăng, nhưng không tăng một cách dồn dập.

Hiện nay, một số nước khác cũng có môi trường đầu tư thuận lợi, nhưng mức lương phải trả người lao động lại tăng lên, nên khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư kém đi.

Còn tại VN, ngoài việc mức lương cơ bản trả cho người lao động hợp lý, thì các doanh nghiệp Nhật Bản đều nhận thấy rằng, VN có môi trường xã hội, an ninh rất ổn định, môi trường kinh doanh đang được cải thiện.

Đây là một trong những cơ sở để dự đoán một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào VN sẽ diễn ra sắp tới.

Theo VOV

MỚI - NÓNG