Việt Nam là địa chỉ tin cậy của Ngân hàng Thế giới

Việt Nam là địa chỉ tin cậy của Ngân hàng Thế giới
TP - Đó là kết luận của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick sau 2 ngày thăm Việt Nam, trực tiếp chứng kiến sự đơm hoa kết trái của các dự án do chính WB tài trợ và gặp gỡ các quan chức Việt Nam cũng như đại diện một số nhà tài trợ...
Việt Nam là địa chỉ tin cậy của Ngân hàng Thế giới ảnh 1
Ông Zoellick (trái) tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 7/8

Ông nói nhiều đến “câu chuyện phát triển tuyệt vời của Việt Nam” và có thể chuyển giao bài học phát triển này cho các nước khác. Vậy xin ông nêu ví dụ cụ thể?

Ví dụ như các dự án điện khí hóa ở vùng nông thôn. Tôi vừa có chuyến đi thực tế ở tỉnh Yên Bái (xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên - PV).

Cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi nhiều nhờ vào điện. Họ có điện để bật quạt, tivi, sử dụng máy bơm nước, máy xát gạo…

Tại đây, tôi cũng đã trực tiếp hỏi chuyện một số gia đình, đến thăm một trạm biến áp 220 KV và nhận thấy điện được sử dụng một cách hiệu quả. Điều này Việt Nam làm tốt hơn nhiều so với các nước khác.

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã thăm Campuchia. Theo tôi được biết, tỷ lệ người dân được tiếp cận với điện ở Việt Nam gấp đôi Campuchia.

Theo ông, đâu là thách thức của Việt Nam trong việc duy trì, phát huy các thành tựu đã đạt được và vai trò của WB?

Việt Nam chưa tranh thủ một cách hiệu quả nhất các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Cty Tài chính quốc tế (AFC) của WB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhiều nước đang phát triển đối mặt với ô nhiễm môi trường, nhưng tôi vui mừng vì Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề này. WB và các nhà tài trợ sẽ giúp Việt Nam sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Ngạc nhiên!

Trở lại Việt Nam sau 2 năm, ở hai cương vị khác nhau (Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Chủ tịch WB), ông Robert Zoellick bày tỏ sự ngạc nhiên về việc Chính phủ Việt Nam đã tận dụng việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để thúc đẩy cải cách trong nước.

Theo ông Robert Zoellick,  chưa nước nào trên thế giới phát triển thành công mà không tận dụng được thị trường quốc tế.

Điều ngạc nhiên là “Việt Nam làm được điều này trong thời gian ngắn”, ông Robert Zoellick tâm sự.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách thể chế, củng cố quản trị và phát triển đồng đều giữa thành thị - nông thôn. Một thách thức quan trọng nữa là giáo dục vì nền kinh tế thế giới không dậm chân tại chỗ.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục và không chỉ chú tâm tới phổ cập ở bậc tiểu học mà nâng cao chất lượng ở bậc đại học.

Cũng liên quan đến thách thức, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách thứ 2. Theo ông, điều gì chờ đợi trong giai đoạn này?

Muốn tăng thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với cú sốc kinh tế, khủng hoảng tài chính như các nước khác trong bối cảnh thương mại tự do của thế giới.

Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần có hệ thống tài chính phát triển, có thể phản ứng, thích ứng một cách nhanh nhạy, linh hoạt trước mọi biến động. WB có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Liệu sau chuyến đi này, WB có điều chỉnh chính sách với Việt Nam?

Trở thành Chủ tịch WB, tôi đã kiểm tra lại nền tảng vốn của WB và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA). Chúng tôi vẫn có thể cho vay hỗ trợ phát triển nhiều hơn nữa. Vấn đề là phải tìm đúng địa chỉ để cho vay. Tôi đã đi thực tế ở vùng nông thôn Việt Nam, gặp gỡ các quan chức Chính phủ để biết họ nhìn nhận thế nào về chính sách trong tương lai Việt Nam.

Tôi cũng có cuộc họp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hà Nội, cộng đồng các nhà tài trợ… Việt Nam chính là địa chỉ phù hợp, đáng tin cậy và chúng tôi sẽ xem xét gia tăng các khoản vay, hỗ trợ đầu tư cho Việt Nam.

T.Đ ghi

MỚI - NÓNG