Việt Nam - Lựa chọn mới của các nhà đầu tư quốc tế

Việt Nam - Lựa chọn mới của các nhà đầu tư quốc tế
TP - Hôm nay, 17/10, Diễn đàn Liên Hợp Quốc về Thương mại - Phát triển (UNCTAD) và cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chính thức công bố Báo cáo Đầu tư Thế giới 2006.
Việt Nam - Lựa chọn mới của các nhà đầu tư quốc tế ảnh 1
Các nhà đầu tư quốc tế tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký UNCTAD, đánh giá: “Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn mới của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thu hút những dự án mới của các tập đoàn như Intel với 300 triệu USD để xây dựng nhà máy tại nước này trong giai đoạn đầu”.

So với các nền kinh tế lớn trong khu vực như Trung Quốc, Singapore…, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Báo cáo của UNCTAD cho biết, nguồn vốn FDI đã được thực hiện trên thực tế tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với số vốn đăng ký. Theo báo cáo, nguồn vốn FDI được thực hiện ở Việt Nam năm 2005 tăng lên 2,02 tỷ USD, so với 1,61 tỷ USD (2004), 1,45 tỷ USD (2003) và 1,2 tỷ USD (2000).

Chênh lệch lớn giữa số vốn FDI đăng ký và thực hiện trên thực tế là một trong những nguyên nhân khiến thứ hạng của Việt Nam chưa cao trong báo cáo thường niên của UNCTAD dù Việt Nam tiếp tục nằm trong số những nền kinh tế đang phát triển đạt tốc độ tăng trưởng cao về FDI (gần 40%). 

Tuy nhiên, theo báo cáo, các chỉ số về thu hút đầu tư của Việt Nam trong năm 2005 đã tăng 1 bậc so với năm trước đó, đứng ở vị trí 53 trên tổng số 141 nền kinh tế được UNCTAD xếp hạng.

Năm 2004, Việt Nam thua Trung Quốc 7 bậc trong bảng xếp hạng về các chỉ số thu hút đầu tư. Tuy nhiên, năm 2005 Việt Nam đã vượt lên Trung Quốc 2 bậc.

Theo bản báo cáo, Việt Nam và các nước Đông Nam Á tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn, tăng về tổng giá trị của từng dự án hơn là số lượng dự án.

Việt Nam - Lựa chọn mới của các nhà đầu tư quốc tế ảnh 2 Báo cáo Đầu tư Thế giới 2006 cho biết, FDI trên toàn thế giới năm 2005 tăng 29% so với năm 2004, đạt 916 tỷ USD. Đây là năm thứ 2 liên tiếp FDI của thế giới tăng cao sau nhiều năm trước đó bị sụt giảm.

Đáng ghi nhận nhất là các nền kinh tế đang phát triển thu hút FDI ở mức kỷ lục, lên tới 334 tỷ USD. Vương quốc Anh là nước thu hút nhiều FDI nhất với 165 tỷ USD, đứng thứ 2 là Mỹ.

Với các nền kinh tế đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), tiếp đến là Singapore, Mexico, Brazil… Việt Nam - Lựa chọn mới của các nhà đầu tư quốc tế ảnh 3

Những lĩnh vực đang là “điểm nóng” của các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á là ôtô xe máy, điện tử, sắt thép và công nghiệp hóa dầu.

Năm 2005, tổng vốn FDI được thực hiện tại các nước Đông Nam Á tăng lên 37 tỷ USD, so với 26 tỷ USD (2004) và 17 tỷ USD (2003).

Singapore đứng đầu Đông Nam Á với 20 tỷ USD vốn FDI được thực hiện trong năm 2005, tiếp đến là Indonesia với 5 tỷ, Malaysia và Thái Lan mỗi nước 4 tỷ USD, Việt Nam mới đạt 2,02 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng FDI của cả khu vực Đông Nam Á mới chỉ nhỉnh hơn Hong Kong (Trung Quốc) với 36 tỷ USD và bằng nửa Trung Quốc đại lục với 72 tỷ USD.

Đầu tư tại Trung Quốc đang gia tăng về lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như hãng máy bay Airbus có kế hoạch hoạt động tại nước này giúp FDI tăng cao.

Trên lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến giữa năm 2006, Việt Nam có 166 dự án với tổng vốn gần 650 triệu USD tại 33 nước trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UNCTAD, Việt Nam tiếp tục tụt hạng từ vị trí 109 năm 1990 xuống 137 suốt 6 năm qua mặc dù vốn FDI ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đáng kể.

Báo cáo Đầu tư Thế giới 2006 nhấn mạnh thực tế rằng vốn FDI ra nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển hiện tăng rất nhanh, dẫn đầu bởi Hong Kong với 33 tỷ USD.

Vì thế việc Việt Nam tụt hạng về FDI ra nước ngoài là điều dễ hiểu.  

MỚI - NÓNG