Việt Nam mua 8 máy bay Boeing 787

Việt Nam mua 8 máy bay Boeing 787
TP - Cty Cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã ký hợp đồng với hãng Boeing đặt mua 8 máy bay Boeing 787-8 Dreamliner với tổng trị giá 1,42 tỷ USD.
Việt Nam mua 8 máy bay Boeing 787 ảnh 1
Máy bay Boeing 787

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với vai trò đầu mối, đã cùng các cổ đông sáng lập Vietnam Airlines (VNA), Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn dầu khí quốc gia (Petro Vietnam), Tổng Cty Phong Phú tổ chức khai trương hoạt động Cty Cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC).

Ngay sau lễ ra mắt, VALC đã ký hợp đồng với hãng Boeing, đặt mua 8 máy bay Boeing 787-8 Dreamliner với tổng trị giá 1,42 tỷ USD, chiếc đầu tiên sẽ được nhận vào năm 2016.

Tiếp đó, Vietnam Airlines (VNA) đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê lại 8 chiếc máy bay VALC vừa đặt mua.

Tám máy bay này thuộc dòng máy bay chở khách tiên tiến nhất của hãng Boeing. Trước đó, nhân chuyến công tác dự hội nghị chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Boeing với VNA (Đại diện cho VALC) mua 12 chiếc B 787-8 Dreamliner (trong đó có 8 chiếc của VALC) diễn ra tại New York (Hoa Kỳ) ngày 28/9/2007.

Việt Nam mua 8 máy bay Boeing 787 ảnh 2
Tiếp viên Vietnam Airlines sẽ sớm làm chủ trên những chiếc Boeing 787 khổng lồ

Trong buổi lễ khai trương hoạt động, Chủ tịch HĐQT của VALC Phạm Ngọc Minh cho biết: “Vốn điều lệ của Cty là 640 tỷ đồng. Cty có các mảng kinh doanh như: Mua và cho thuê, thuê và cho thuê lại máy bay; đầu tư kinh doanh vận tải taxi hàng không; cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp, đặc thù quản lý máy bay, các dịch vụ tài trợ cơ cấu, quản lý tài sản cho bên thứ ba, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm máy bay; cho thuê kho phụ tùng máy bay (Trừ kinh doanh bất động sản); kinh doanh khai thác sân bay”.

5 cổ đông sáng lập chiếm 79% cổ phần ( VNA 23%, BIDV 20%, Petro Vietnam 17%, Vinashin 11%, Phong Phú 8%), phần còn lại là các cổ đông phổ thông.

VALC ra đời với tham vọng phục vụ nhiều khách hàng là các hãng hàng không nội địa, hãng hàng không khu vực thuê máy bay. Bên cạnh đó, VALC hướng mục tiêu tới những khách hàng là các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu bay thăm dò, khai thác, đi thực địa, tìm kiếm, cứu nạn, chuyên chở hàng hoá vì mục đích đặc biệt qua hoạt động taxi hàng không.

Được biết, giá cho thuê máy bay của VALC sẽ được công bố công khai và theo thị trường quốc tế. Ông Trần Long, Tổng Giám đốc VALC cho biết, dự kiến 1 chiếc Boeing 787 có khả năng  hoàn vốn sau khoảng 12 năm. Tương lai, trong lộ trình tăng vốn, VALC sẽ xem xét tới cả cổ đông nước ngoài.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Minh, việc ra đời VALC giúp VNA nắm quyền chủ động hơn trong việc thuê máy bay. Đặc biệt, trong khi nhu cầu khai thác của các hãng hàng không nội địa và khu vực đang ngày càng tăng.

Theo kế hoạch khai thác của VNA, đến năm 2015 sẽ có 80 máy bay và năm 2020 là 110 máy bay. “VNA cương quyết không dùng máy bay thế hệ cũ khi khai thác”, ông Minh nhấn mạnh.

Máy bay Dreamliner 787-8 được thiết kế đặc biệt như khoang hành khách có trần được làm giống như bầu trời. Phi hành đoàn có thể tạo cho hành khách cảm giác ánh sáng ban ngày, khi muốn hành khách nghỉ ngơi lại có thể điều khiển ánh sáng giống bầu trời đêm êm ả.

Áp suất không khí khiến cho hành khách có cảm giác tương đương đang ở trong một ngôi nhà trong thung lũng Mặt Trời (Áo). Không khí sạch trong khoang hành khách được sử dụng công nghệ tương tự cho phòng mổ bệnh viện…

MỚI - NÓNG