Việt Nam quyết không hạ giá gạo xuất khẩu

Việt Nam quyết không hạ giá gạo xuất khẩu
Ngoài khẳng định việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết không hạ giá gạo xuất khẩu dù lượng tồn kho còn hơn 1,6 triệu tấn, ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA còn cho hay, sẽ tiếp tục triển khai mua lúa đợt 2, quy ra gạo khoảng 500.000 tấn cho dân để giữ vững giá nội địa...

Tính đến hết tháng 8.2009, VN đã xuất khẩu trên 4,5 triệu tấn gạo với giá bình quân hơn 408USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp nhất thế giới, đặc biệt thua Thái Lan trung bình 100USD/tấn. "Vậy nhưng giá gạo xuất khẩu của ta liên tục hạ, đặc biệt thời gian này vẫn bị đối tác nước ngoài cố ép giá xuống dưới mức đó nữa!" - ông Trí nói!

Nguyên nhân do ta tự gây khó cho ta (nhiều DN VN tìm cách bán dưới giá sàn, đối tác nước ngoài vin cớ này để ép giá khi ký kết hợp đồng xuất khẩu tập trung) là yếu tố đầu tiên. Tiếp đến - theo VFA, còn do thương nhân "ngoại" nắm được lượng gạo tồn kho khá lớn của DN VN. Trong khi đó, thị trường lớn của VN là các nước có nhu cầu ở Châu Phi vẫn chưa "ăn" hàng...

Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái thì đến nay số lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký tăng hơn 62% (5.516.000 tấn/3.387.000 tấn).

Không hạ, để giữ giá trị gạo Việt

Suy thoái kinh tế, các nước lớn thường tài trợ mua gạo cho Châu Phi chưa chịu giải ngân, nhưng không có nghĩa là sẽ không làm. Thái Lan - nước xuất khẩu lớn nhất - dù đang tồn hơn 7.000 tấn và chuẩn bị vào vụ thu hoạch, tuy nhiên chưa hẳn chính phủ cho bán mạnh bởi nhiều yếu tố cả về cơ cấu kinh tế chính trị.

Từ đây, theo ông Trí, các thành viên HĐQT VFA đều chung nhận định, cơ hội cho gạo VN thời gian tới còn rất nhiều. Khả năng cuối tháng 11.2009 này, cơ hội sẽ tới và không loại trừ VN sẽ có được những hợp đồng xuất khẩu tập trung lớn.

"Vì vậy, chúng tôi thống nhất sẽ không hạ giá sàn xuất khẩu hạt gạo của ta, bởi cái giá hiện tại đã là thấp nhất rồi!" - ông Trí liên tục nhấn mạnh với các cơ quan ngôn luận, tại buổi gặp mặt hôm qua (9.9).

Không chỉ yếu tố thị trường, phân tích của VFA, việc quyết không hạ giá gạo xuất khẩu, còn để lấy lại giá trị hạt gạo VN. Theo một DN xuất khẩu gạo, trước đây, cũng trong thời điểm khủng hoảng, nhưng Thái Lan vẫn giữ giá gạo để giữ cái "uy" cho thương hiệu. Mặt khác, họ phát triển mạnh gạo chất lượng cao.

Còn VN thì ngược lại, suốt quãng thời gian khá dài, cố gắng lên ngôi về "lượng" chứ chưa chú trọng về "chất" và giữ cái "uy" của nước xuất khẩu lớn thứ nhì thế giới. Thế nên khi đụng chuyện, Thái Lan ít bị ép giá, nhưng với DN Việt Nam thì "như cơm bữa".

Sẽ mua tiếp lúa đợt 2 cho dân để... chủ động tồn kho

Theo VFA, đợt 1, tính đến thời điểm này, các DN đã mua lúa cho dân quy ra gạo gần 500.000 tấn. Trong tháng 9 này, VFA sẽ tiếp tục triển khai đợt 2, mua khoảng 500.000 tấn quy ra gạo nữa cho dân và vẫn với giá mua không dưới 3.800 đồng/kg lúa (loại đã qua phơi sấy có độ ẩm bình quân 17%).

"Với 1,6 triệu tấn còn đọng, cộng với 500.000 tấn mua sắp tới, sẽ có hơn 2 triệu tấn gạo tồn kho. Tuy nhiên khác với năm 2008 tồn kho ở thế bị động, lần này là chúng tôi chủ động tồn kho, để ngoài việc giữ vững giá lúa trong nước, thì chúng tôi sẽ có những cơ hội chủ động hơn trong giá cả xuất khẩu, khi có sẵn nguồn hàng dồi dào. Chúng tôi không e ngại!" - một thành viên VFA nói.

Theo Ngô Sơn 
Lao động

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.