TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam):

Việt Nam vẫn chưa “tốt nghiệp” FDI

TP - Ba thập kỷ trôi qua, Việt Nam vẫn “chưa tốt nghiệp” FDI. Nhiều dự án FDI được kỳ vọng lớn nhưng khi thực hiện chỉ như “ốc đảo” khai thác lợi thế của nền kinh tế Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho họ. 

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) hay ngành sản xuất đều như các “ốc đảo” chứ FDI chưa thực sự bám rễ, tạo sự lan tỏa và hình thành các cụm ngành có khả năng cạnh tranh cao. Trong bối cảnh DN trong nước chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế thì rất dễ để chúng ta phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn tồn tại thách thức ở nhiều lĩnh vực.

Đơn cử, ngành may mặc, da giày của Việt Nam chủ yếu gia công, thiếu sự gắn kết chặt chẽ của DN FDI với nền kinh tế trong nước. Gần 3 thập kỷ vào Việt Nam, hoạt động của thương hiệu hàng đầu chủ yếu gia công, chưa thể bước lên giá trị cao hơn. 

Mảng lắp ráp thiết bị điện tử, hàng công nghệ cao vẫn là sân chơi riêng của DN FDI. Dù có những khoản đầu tư lớn nhưng các DN như Canon, Intel, Samsung chưa gắn kết nhiều với DN trong nước. Một số ngành sản xuất, chế tạo nhận ưu đãi nhiều như mía đường, lắp ráp sản xuất ô tô chưa tạo ra kết quả tương xứng với kỳ vọng. Dẫu được chọn "trải thảm đỏ" nhưng một số DN FDI  dường như chỉ tận dụng chính sách ưu đãi để bán hàng giá cao trên thị trường Việt Nam...

Thời gian qua có thực trạng địa phương ưu đãi quá mức, không nhất quán trong chính sách và cạnh tranh lẫn nhau. Thậm chí xảy ra tình trạng “cạnh tranh xuống đáy” giữa các địa phương trong thu hút FDI. Điều cần làm là Việt Nam nên xem xét chính sách chỉ ưu đãi một lần đối với DN FDI khi vào Việt Nam chứ không nên duy trì tình trạng đã được ưu đãi ở địa phương này, lại chạy sang địa phương khác và vẫn được ưu đãi như đầu tư mới. 

Những môi trường đã xảy ra và dự án đầu tư tạo ra rủi ro đã..."lộ diện". Hơn nữa, tình trạng đầu cơ dự án bất động sản dẫn đến quy hoạch treo, gây ra bức xúc xã hội. 

Để có cái nhìn tổng thể, khách quan về FDI, Việt Nam cần phân tách vấn đề thu hút FDI và khai thác cơ hội từ FDI. Bên cạnh đó, cần tạo dựng hệ thống giáo dục để đào tạo đội ngũ nhân sự có trình độ cao với khả năng đổi mới sáng tạo tốt hơn. Chỉ bằng cách này, Việt Nam mới có đủ điều kiện để tiếp cận khoa học công nghệ mới của DN FDI, xoá bỏ rào cản và tình trạng FDI là “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam.

MỚI - NÓNG