Ngân hàng Thế giới:

Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế

Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế
TP - Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/4 cho rằng Việt Nam (VN) đã vượt qua hai cú sốc kinh tế khá thành công và dự báo tăng trưởng GDP năm 2009 ở mức 5,5%.

Đây được xem là dự báo lạc quan nhất về nền kinh tế Việt Nam từ các định chế tài chính, tổ chức nước ngoài trong những tháng gần đây. Theo báo cáo, Việt Nam đứng thứ hai khu vực về tăng trưởng GDP năm 2009 và chỉ sau Trung Quốc (6,5 phần trăm); trong khi những đối thủ như Thái Lan tăng trưởng âm 2,7 phần trăm; Malaysia cũng tăng trưởng âm một phần trăm và Philippines 1,9 phần trăm.

Mặt khác, cũng theo WB, nếu so sánh GDP năm 2007 với mức dự báo 2009, VN là một trong những nền kinh tế ít biến động nhất với mức chênh lệch là ba phần trăm (8,5 phần trăm xuống còn 5,5 phần trăm). Trong khi đó, chênh lệch GDP của Trung Quốc trong hai năm kể trên lên tới 6,5 phần trăm, Malaysia với 7,3 phần trăm, Campuchia lên tới 11,2 phần trăm và mức chung của toàn khu vực là 6,1 phần trăm.

Tăng trưởng vẫn ở mức cao, đồng thời duy trì được tính bền vững, ổn định là điều các chuyên gia WB xem như một điểm sáng của VN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu với nhiều biến động.

Theo WB, nhờ những chuyển hướng nhanh, quyết liệt trong chính sách của Chính phủ vào tháng 3 và tháng 11/2008, VN đã vượt qua hai cú sốc: Kinh tế tăng trưởng quá nóng từ cuối 2007 khiến lạm phát tăng tốc, bong bóng bất động sản, thâm hụt thương mại tăng; Khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu của WB đánh giá, dù chưa có kinh nghiệm đối mặt với những biến động gây nên bởi sự hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, Chính phủ VN đã chèo lái nền kinh tế khá tốt.

WB cũng nhận định nguy cơ khủng hoảng tài chính, cán cân thanh toán ở VN chỉ ở mức thấp. Trên lĩnh vực tài chính, theo báo cáo, tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu không đáng kể do các ngân hàng VN không tiếp cận các sản phẩm độc hại và mối quan ngại về những khoản cho vay đầu tư bất động sản cũng giảm dần. Theo các chuyên gia WB, khả năng giảm giá thực tế đồng tiền Việt Nam năm 2009 là thấp và Chính phủ đang từng bước áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế ảnh 1
Nợ xấu cho vay đầu tư bất động sản chưa đáng lo ngại (trong ảnh: giao dịch ở Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh

Về cán cân thanh toán, WB viện dẫn rằng thâm hụt thương mại trong sáu tháng qua chỉ 2,2 tỷ USD, trong khi luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ chính thức (ODA) cùng kiều hối đạt 16 tỷ USD.

Về khả năng giải ngân ODA năm 2009 sẽ chậm lại, WB cho rằng chưa có bằng chứng để khẳng định. Liên quan đến sự sụt giảm trong xuất khẩu, báo cáo đánh giá VN bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác nhờ khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần. Vì thế báo cáo dự báo thâm hụt thương mại ở VN sẽ giảm dần và chuyển sang thặng dư nhỏ.

Liên quan đến việc triển khai các gói kích cầu của Chính phủ VN trong năm 2009, WB khuyến nghị sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công. 

PGS-TS Nguyễn Văn Nam:

Dự báo của WB là lời động viên ý nghĩa

(PGS-TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Chính phủ trả lời PV Báo Tiền Phong)

Thưa ông, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo khá lạc quan về kinh tế Việt Nam, trong đó khẳng định GDP có thể đạt 5,5 phần trăm trong năm nay. Quan điểm của ông ra sao?

Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế ảnh 2

Dự báo của WB về kinh tế Việt Nam chỉ là một trong nhiều dự báo. Dễ thấy đây là một cơ quan quan trọng, có chuyên môn, chặt chẽ trong dự báo.

Mạch dự báo của WB cơ bản lạc quan hơn các tổ chức khác. Dự báo về GDP (tổng sản phẩm quốc nội), cơ bản giống dự báo của Chính phủ.

Tôi đồng tình rằng, dự báo tổng thể về kinh tế như vậy là chấp nhận được, tất nhiên về lâu dài cũng cần nghiên cứu tiếp nhiều vấn đề.

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về cơ sở để đưa ra dự báo này, nhất là khi kinh tế còn suy thoái. Theo ông WB dựa trên cơ sở nào?

Theo tôi, lời động viên của WB xuất phát từ việc WB tin rằng nước ta có tiềm năng để phát triển và vượt qua khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong ngắn hạn. Những tiềm năng của Việt Nam cũng rất dễ khai thác, tiềm năng lớn đó nằm trong chính sự quản lý, cơ chế của nhà nước và một phần nằm trong các doanh nghiệp và nhân dân. Chỉ cần nhà nước có chính sách đúng đắn, thay đổi hợp lý là tiềm năng đó được phát huy.

Có thể chứng minh điều này rất dễ. Lạm phát xảy ra vào khoảng tháng 4/2008. Khi phát hiện, chúng ta vẫn còn bị quán tính níu kéo, chưa muốn thay đổi sự điều hành. Nhưng ngay khi nhận thức đúng đắn, các biện pháp được đưa ra quyết liệt thì lạm phát cũng được khống chế và suy giảm khá nhanh.

Việc chống suy thoái thì sao, thưa ông?

Khi xảy ra suy giảm kinh tế vào đầu năm đến nay, sự thay đổi trong nhận thức, điều hành ngăn chặn càng thể hiện rõ. Tám biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế Chính phủ đưa ra khiến nhân dân, doanh nghiệp tin tưởng. Nhiều dấu hiệu về phục hồi kinh tế đã xuất hiện.

Thời gian tới, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt nguy cơ nào đáng chú ý nữa không?

Nói chung kinh tế Việt Nam vẫn còn là cơ thể yếu. Từ nay đến hết tháng 6, mức độ phát triển vẫn chậm chạp. Với hai động thái điều chỉnh tăng lương tối thiểu và tiếp tục thực hiện kích cầu, cần cảnh giác với nguy cơ tái lạm phát.

Tăng lương sẽ tác động đến giá. Nếu kích cầu không lấy tiền từ tiết kiệm ngân sách mà lấy từ dự trữ ngoại tệ thì nguy cơ tái lạm phát sẽ càng cao. Khi kinh tế chưa phục hồi, lại phải chống lạm phát thì đối phó sẽ khó hơn nhiều. Còn trong điều hành thì cần đặt mục tiêu xa hơn nữa, trong đó chú ý nhiều đến tái cơ cấu nền kinh tế.

Cảm ơn ông!

Lê Nguyễn Minh
Thực hiện

 
MỚI - NÓNG