Việt Nam - Trung Quốc mở rộng hợp tác công nghiệp

Việt Nam - Trung Quốc mở rộng hợp tác công nghiệp
Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam và Trung Quốc đã và đang mở rộng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên lĩnh vực công nghiệp với nhiều dự án, chương trình.

Các lĩnh vực được hai bên quan tâm hợp tác là: điện lực, dầu khí, hoá chất, thép, khoáng sản, nhựa, thiết bị cơ khí, giấy, than, đào tạo và có quan hệ thương mại trên nhiều ngành công nghiệp khác.

Bộ trưởng Hải cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác xây dựng các nhà máy nhiệt điện như Cao Ngạn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Động và Cẩm Phả với tổng công suất 1.800MW. Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua điện từ Cty Điện lực Vân Nam và Cty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc), góp phần đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong thời gian vừa qua. EVN và Tổng Công ty Lưới điện miền Nam (Trung Quốc) cũng đang nghiên cứu đấu nối lưới điện liên kết 220kV và 500kV để trao đổi điện trong những năm tới trong khuôn khổ song phương và hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng.

Tổng Cty Dầu khí Việt Nam đang xúc tiến hợp tác về nghiên cứu địa chất, thăm dò, chế biến dầu khí và hoá dầu với các Cty dầu khí lớn của Trung Quốc như CNOOC, CNPC, SINOPEC, COVEC, CNTIC.

Tổng Cty Than Việt Nam đang hợp tác với Trung Quốc trong dự án xây dựng mỏ than Khe Chàm II và dự án nghiên cứu công nghệ khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.

Dự án Nhà máy Đồng Sin Quyền đã được khởi công xây dựng với sự hợp tác tích cực của các nhà thầu Trung Quốc, dự kiến đến quý III năm 2006 toàn bộ tổ hợp nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Dự án bôxit-alumin Đắc Nông đã được đại diện Chính phủ hai nước ký bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án và thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt - Trung để phối hợp nghiên cứu dự án. Phía Trung Quốc hiện đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hai bên đang thảo luận, hoàn thiện để báo cáo Chính phủ Việt Nam.

Dự án mở rộng Cty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn I với sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc và Cty Thép Hàm Đan đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép và bình ổn giá thép trong thời gian qua. Dự án mở rộng Cty Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn II cũng đang được tích cực triển khai. Trong tổng mức đầu tư khoảng 236 triệu USD cho dự án, phía Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi 150 triệu USD trong thời gian 20 năm.

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, dự án mở rộng và nâng cao hiệu suất Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc của Tổng Cty Hoá chất Việt Nam đang phát huy hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Hiện nay, hai bên đang tích cực triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất Đạm từ than cám tại Ninh Bình với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Hai bên cũng đang hợp tác nghiên cứu khả thi dự án đầu tư cải tạo kỹ thuật, nâng sản lượng urê của Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc và dự án sản xuất phân bón DAP Đình Vũ.

Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Trung Quốc, dự kiến đại diện Chính phủ hai nước sẽ ký kết Hiệp định Khung và Hiệp định vay tín dụng ưu đãi cho dự án sản xuất khuôn mẫu và trục in cho ngành nhựa. Các doanh nghiệp hai nước cũng dự kiến có nhiều thoả thuận hợp tác cụ thể.

Đánh giá về triển vọng triển vọng hợp tác của ngành công nghiệp hai nước trong những năm tới, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cho rằng triển vọng là rất sáng sủa vì hầu hết các dự án hợp tác công nghiệp với các công ty Trung Quốc được triển khai đúng tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Một số dự án sắp được triển khai trong thời gian tới đều là những dự án lớn, tạo đà phát triển hơn nữa cho mối quan hệ hai nước.

Ngoài các dự án được Chính phủ Trung Quốc cấp vốn ưu đãi, hai bên rất tích cực hợp tác trong các dự án sử dụng vốn tín dụng thương mại của Trung Quốc và các nguồn vốn khác. Hai nước có thể một mặt tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực đã và đang hợp tác có hiệu quả, mặt khác có thể mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng khác như cơ điện tử, công nghệ thông tin, giấy.

Tuy nhiên, theo ông Hải, một số dự án được đề xuất hoặc đang triển khai còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Một số thủ tục, quy định về đầu tư, thương mại giữa hai nước có sự khác nhau, sự hợp tác, phối hợp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhiều khi còn chưa chặt chẽ, đồng bộ nên việc triển khai một số dự án còn chậm.

Với tinh thần hữu nghị, xây dựng, hai bên đang tích cực xem xét để tìm cách giải quyết những tồn tại nói trên, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp quan trọng được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả , góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

"Với sự mở cửa rộng rãi trong đầu tư và thương mại, hội nhập tạo thêm nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp. - Ông Hải nói - Trong sân chơi hội nhập, chúng ta sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn tại Việt Nam, tham gia đấu thầu xây dựng và đầu tư phát triển các dự án công nghiệp".

MỚI - NÓNG