Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh hai năm liên tiếp

Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh hai năm liên tiếp
TPO - Báo cáo về môi trường kinh doanh 2010 cho thấy, dù có nhiều nỗ lực cải cách trong các lĩnh vực, cắt giảm thuế và tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại quốc tế nhưng Việt Nam vẫn tụt xuống vị trí 93, giảm hai bậc so với bảng xếp hạng năm 2009.
Việt Nam tụt hạng môi trường kinh doanh hai năm liên tiếp ảnh 1
Theo đánh giá dù có nhiều nỗ lực nhưng so với các nước khác trong khu vực tốc độ cải cách của Việt Nam vẫn chậm hơn. Ảnh minh họa

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010 mang tựa đề Cải cách Qua thời kỳ khó khăn do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 9/9, cho thấy, trong năm 2009, Việt Nam đã cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai.

Việt Nam cũng áp dụng một luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mới. Ngoài ra, gia tăng cạnh tranh trong ngành công nghiệp hậu cần và việc áp dụng các thủ tục hải quan mới - nằm trong khuôn khổ chương trình cải cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng góp phần giảm bớt chậm trễ trong hoạt động thương mại quốc tế.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, 2009 là năm bất thường đối với kinh tế thế giới. Việc công bố bản báo cáo được coi là cách để xem lại chính phủ các nước đã phản ứng như thế nào đối với những biến đổi của thế giới, cũng như hướng đi của một nước.

Việc Việt Nam cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2008/2009 nhằm cải thiện quy định về kinh doanh, là biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh lại hoạt động của mình trước những tác động của khủng hoảng kinh tế.

“Việt Nam đã có nhiều cải cách trong năm 2009 nhưng so với các nước trong khu vực, tốc độ cải cách của họ vượt hơn. Tuy nhiên, việc tụt hạng này không nhiều. Điều quan trọng là các nước duy trì sự cạnh tranh thế nào để khi thoát khỏi khủng hoảng, có thể tận dụng được lợi thế này để phát triển” - Bà Victoria Kwakwa nói.

Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam đã rút ngắn được nhiều thời gian, chi phí nhờ những nỗ lực cải cách. Nhờ cải cách thúc đẩy thương mại qua biên giới nên thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã giảm bớt được hai ngày.

Dù vẫn phải trải qua 11 loại thủ tục với thời gian thực hiện là 50 ngày nhưng chi phí để thành lập doanh nghiệp từ mức 16,8 phần trăm mức thu nhập đầu người của năm ngoái đã giảm xuống còn 13,3 phần trăm trong năm 2009.

Bên cạnh những tiến bộ, Việt Nam cũng có những thụt lùi so với năm ngoái. Điều tra cho thấy, mức độ thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thành các thủ tục về thuế trong một năm lên tới 1.050 giờ và số lần đóng thuế trong năm lên tới 32 lần không được cải thiện, đã kéo Việt Nam tụt bảy bậc trong lĩnh vực này so với năm ngoái, xuống vị trí 147.

Điều này, theo bà Sylvia Solf, Giám đốc chương trình, dự án môi trường kinh doanh thuộc Nhóm ngân hàng thế giới, là do trong năm qua, rất nhiều nước có những cải cách ngày càng thuận lợi hơn trong việc đóng thuế, dẫn đến việc Việt Nam bị tụt hạng nhiều như vậy. Để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn hơn.

Một số chỉ số khác không được đánh giá cao như xếp hạng về bảo vệ nhà đầu tư (thứ 172), giải thể doanh nghiệp (thứ 127), tuyển dụng và sa thải lao động (thứ 103), thành lập doanh nghiệp (thứ 116).

Cũng theo báo cáo, ba nền kinh tế khác của khu vực - theo thứ tự là Singapore, New Zealand, và Hong Kong (Trung Quốc) - là các nền kinh tế đi đầu toàn cầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Singapore, quốc gia luôn kiên trì cải cách, là nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu lần thứ 4 liên tục, còn New Zealand ở vị trí số hai.

Nhờ những nỗ lực cải cách của mình, Indonesia – quốc gia cải cách tích cực nhất trong khu vực trong năm nay – đã  chuyển từ vị trí 129 lên 122 trong bảng xếp hạng các môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu.

Báo cáo cũng cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2008 đến tháng 5/2009, 131 trên tổng số 183 nền kinh tế toàn cầu đã cải cách các quy định về kinh doanh.

Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, số lượng các cuộc cải cách cũng đạt kỷ lục: 287 cải cách tại 131 quốc gia; tăng 20 phần trăm so với năm trước. Ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, 17 trong số 24 nền kinh tế đã cải cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2010 là ấn phẩm lần thứ bảy trong chuỗi báo cáo thường niên do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

MỚI - NÓNG