Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn & Ngoại thương Đức A.Borner:

Việt Nam: Xúc tiến đầu tư còn chậm

Việt Nam: Xúc tiến đầu tư còn chậm
Là Chủ tịch hiệp hội đại diện cho khoảng 120.000 doanh nghiệp Đức, chuyến thăm Việt Nam của ông A.F.Borner tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như mở thêm cách cửa ra thị trường châu Âu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi có ấn tượng rất tốt về nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các bạn còn nhiều việc phải làm để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... phát triển rất tốt, nhưng ở các địa phương khác còn yếu. Sự phát triển mất cân đối đó sẽ tạo ra những gánh nặng xã hội rất lớn.

Hiện trạng đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam?

Trong các nước thành viên Liên minh châu ÂU (EU), Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của VN vì chúng tôi chiếm tới 26% tổng giá trị thương mại với VN của liên minh này. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp của Đức vào VN vẫn thấp so với các thành viên khác trong EU. Đức đứng thứ 20 trong số các nhà đầu tư nước ngoài ở VN và đứng thứ 5 trong EU.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Doanh nghiệp Đức nói riêng và nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung chưa hài lòng với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đó là cơ chế hành chính rườm rà, hạ tầng cơ sở kém và hệ thống luật pháp chưa chặt chẽ. Mặt khác, các bạn vẫn còn phân biệt giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài do dự.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tăng cường đầu tư nước ngoài?

Ngoài việc loại bỏ dần cơ chế hành chính quan liêu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống luật pháp, điều quan trọng là các bạn phải chủ động “gõ cửa” tìm và mời gọi các nhà đầu tư  nước ngoài đến rót hầu bao ở Việt Nam. Tôi có cảm giác, các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam hơi chậm trong quá trình xúc tiến đầu tư.

Bây giờ tình hình khác trước, đã hết thời nhà đầu tư đến gõ cửa từng quốc gia, ngược lại các bạn phải đi khắp thế giới để mời họ tới Việt Nam. Toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh, sôi động nên các nước đang phát triển đều phải nhanh nhạy tiếp cận với các nhà đầu tư, trong khi đó Việt Nam lại hơi chậm.

Đâu là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Việt Nam có lợi thế rất lớn là điều kiện kinh tế – xã hội của các bạn rất hấp dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức. Theo tôi, không chỉ Đức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nhiều nước phát triển khác cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Vấn đề là các bạn phải tìm cách giới thiệu và mời gọi họ.

Xin cám ơn ông

Trí Đường (Thực hiện)

Từ giữa những năm 1990 đến nay, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam - Đức đã tăng gấp hơn 3 lần. Năm 2004, tổng kim ngạch thương mại đạt 2,1 tỷ euro, tăng 20% so với năm 2003.

Hiệp hội Bán buôn & Ngoại thương Đức (BGA) ra đời từ năm 1916, hiện có 120.000 thành viên mà hầu hết là các doanh nghiệp lớn có quan hệ với nhiều đối tác châu Âu. Tổng doanh thu của BGA lớn hơn cả ngành công nghiệp Đức.

MỚI - NÓNG