Vĩnh Phúc 'về đích sớm' với hơn 10 nghìn doanh nghiệp

Vĩnh Phúc 'về đích sớm' với hơn 10 nghìn doanh nghiệp
“Nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phát huy hiệu quả, đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra là đến năm 2020 có 10.000 doanh nghiệp”, Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ.

“Vĩnh Phúc sẽ vượt xa mục tiêu”

Với quan điểm “chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 4324/CTHĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh.

Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, với 14 thủ tục hành chính tại 4 sở, ngành, UBND cấp huyện được đơn giản hóa. Do vậy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã hồi phục mạnh hơn, doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới tăng cao về số lượng và số vốn đăng ký.

Theo Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, lũy kế đến hết 30/6/2019, toàn tỉnh có 10.142 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 93.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra (10.000 doanh nghiệp vào năm 2020). Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 570 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 4.348 tỷ đồng, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và 33% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tiếp tục có 518 lượt doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn xác định, doanh nghiệp của tỉnh có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và phát huy mọi nguồn nội lực của tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Giải pháp đầu tiên luôn được tỉnh hướng tới là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, như: Giảm 30 – 50% thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư so với quy định của Luật Đầu tư; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; trả ngay hồ sơ trong ngày đối với một số trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có đủ hồ sơ hợp lệ; minh bạch cơ chế, chính sách, quy hoạch và thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đồng thời, tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh ban hành về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tổ chức hàng chục hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài hướng đến các thị trường uy tín, chất lượng, giàu tiềm năng.

Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tỉnh luôn chú trọng thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, coi đây là một trong những kênh quan trọng lan tỏa hình ảnh Vĩnh Phúc thân thiện, an toàn, điểm đến thành công với các nhà đầu tư, thông qua nhiều hoạt động như đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch, cung cấp nguồn lao động tay nghề cao.

Vĩnh Phúc luôn đồng hành chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Duy trì đối thoại gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hằng tuần để kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh trực tiếp tới doanh nghiệp thăm hỏi các ngày lễ, Tết và động viên doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm…”, Sở KH&ĐT cho hay.

Nhờ những hoạt động thiết thực, hiệu quả đó, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đưa tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 15.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm mà còn tạo bướt đột phá mới trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền móng vững chắc sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Theo đánh giá và dự báo, Vĩnh Phúc sẽ vượt xa mục tiêu thành lập doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra và từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh sẽ có thêm trên 500 doanh nghiệp được thành lập mới. Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, trong số 10.454 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (tính đến 30/6/2019) với số vốn đăng ký trên 130 nghìn tỷ đồng, có 317 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn 34,4 nghìn tỷ đồng và 10.137 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đạt 95,6 nghìn tỷ đồng. Hết tháng 6/2019, tổng số nộp ngân sách nhà nước của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 10.631 tỷ đồng; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động của tỉnh. Trong đó, loại hình doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất là loại hình Công ty cổ phần và Công ty TNHH có đóng góp nhiều nhất trong việc thu hút lao động, giải quyết việc làm.

Vĩnh Phúc 'về đích sớm' với hơn 10 nghìn doanh nghiệp ảnh 1
 

Trong những năm qua, các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu vực doanh nghiệp đã luôn khẳng định vai trò quan trọng, cả trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người dân và đặc biệt là đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Năm 2018, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp 77,3% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (26.318 tỷ đồng), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 72,7%.

“Sự phát triển của các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết được nhiều việc làm. Các khoản thu nhập của người lao động, nhất là lao động trong các doanh nghiệp FDI ở lĩnh vực điện tử, cơ khí và sản phẩm công nghệ cao liên tục tăng qua các năm, các điều kiện làm việc cho người lao động cũng được các doanh nghiệp quan tâm, cải thiện”, Sở KH&ĐT đánh giá.

MỚI - NÓNG