Vĩnh Phúc: Xuất hiện hàng trăm tỷ phú nông dân

Vĩnh Phúc: Xuất hiện hàng trăm tỷ phú nông dân
Từ 7 năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chủ trương dồn ghép ruộng đất, tổ chức các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung. Không những thoát nghèo mà hàng ngàn hộ nông dân đã trở thành triệu phú, hàng trăm hộ trở thành tỷ phú.

Ở huyện Vĩnh Tường vốn là huyện lúa trọng điểm của tỉnh có xã Bình Dương đi đầu trong việc trồng hành tập trung trên diện rộng. Từ chỗ trồng chuyên một loại hành thì nay đã trồng đa dạng nhiều loại khác nhau, từ hành lấy củ làm dưa, hành lấy rọc, hành hoa, hành thơm, hành tía đến hẹ, tỏi, kiệu... đều có.

Người ta không chỉ trồng hành mà còn chế biến các sản phẩm từ hành, nhất là làm dưa hành, dưa kiệu đem bán cho người tiêu dùng. Hành ở Vĩnh Tường đã có mặt ở hầu hết các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Hà Tây, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội...

Trồng hành đã cho thu nhập bình quân 90 triệu - 110 triệu đồng/ha/năm. Nhiều người đi đầu trong trồng hành từ 5-7 năm nay hiện đã có cả trang trại hành, có xưởng chế biến sản phẩm hành với tiền tỷ làm vốn kinh doanh. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, "vùng chuyên hành" Bình Dương đã cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn sản phẩm các loại...

... đến tỷ phú hoa

Vùng chuyên hoa Mê Linh mới tạo ra nhiều tỷ phú. Ban đầu, anh Nguyễn Nhân Thuận ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) trồng thử 2 sào hoa hồng. Vợ chồng anh Thuận phải chở hoa sang thủ đô Hà Nội bán ( cách Hà Nội hơn 20 km). Đổi lại, mỗi sào cho thu gần 15 triệu đồng, gấp 4-5 lần cấy lúa, trồng màu.

Anh Thuận thuê luôn những ruộng liền kề với giá như cấy lúa năm được mùa cao nhất để trồng hoa. Anh trồng được 2 mẫu và mời thương lái về tận cánh đồng hoa xem và họ đã tổ chức thu mua tại chỗ và trừ chi phí vận chuyển. Lãi cao, anh tiếp tục thuê ruộng rồi kêu gọi mọi người hợp tác cùng làm hoa.

Để tạo thế "liên hoàn" trong chăn nuôi, trồng trọt, anh mở trại nuôi lợn với trên 200 lợn nái, mỗi lứa mỗi lợn nái cho 10 - 13 lợn con. Từ số lợn con, anh nuôi thành lợn choai xuất khẩu một phần còn phần lớn đem cho bà con nuôi chia, khi được sản phẩm thì đem bán rồi chia lãi theo thoả thuận. Cái "liên hoàn" chính là nguồn phân to lớn được ủ hoai rồi bón cho hoa, đất trồng hoa càng trở nên màu mỡ.

Thế là cả làng, cả xã trồng hoa. Riêng anh Thuận đã sớm trở thành tỷ phú. Trong kỹ thuật trồng hoa hồng, người ta phải dành một diện tích trồng gốc hoa rồi gép ngọn,ghép mắt để cho hoa thương phẩm.

 Anh Cao Văn Thắng (cũng ở xã Mê Linh) mày mò thí điểm và đã dùng gốc cây tầm xuân (cùng họ, cùng loài với hoa hồng) vốn là cây dại nhưng sức sống rất khoẻ để ghép với mầm hoa hồng. Cách làm này giúp cho người trồng hoa hồng tiết kiệm 15 % - 20% chi phí, lãi từ hoa càng lớn.

Nghề trồng hoa ở xã Mê Linh đã nhanh chóng lan toả sang các xã cận kề như Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh. Giờ đây, vùng chuyên canh hoa ở huyện Mê Linh đã lên trên 400 ha, người trồng hoa đều là triệu phú, cả trăm hộ là tỷ phú. Người trồng hoa không chỉ trồng có hoa hồng mà còn mở ra đủ các loại như thược dược, layơn, hoa ly, hoa phăng, cúc, đồng tiền, loa kèn...

Ngay hoa hồng cũng có tới gần 10 loại với kiểu dáng, màu sắc, hương thơm khác nhau. Ngày nào cả xã Mê Linh cũng họp chợ hoa. Thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang và cả Thanh Hoá cũng về đây mua hoa.

Những dịp như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, ngày lễ Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Valentine, thương lái từ Trung Quốc cũng sàng đặt hàng và xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.

Và hàng ngàn triệu phú dưa chuột

Huyện trung du Tam Dương,  phong trào trồng dưa chuột lan ra cả xã An Hoà và sang các xã Duy Phiên, Đạo Tú, Thanh Vân là những xã có hoàn cảnh khí hậu, thổ nhưỡng như An Hoà. Khi nhà máy chế biến hoa quả Tam Dương (thuộc Tổng Cty rau quả Hà Nội) đặt tại xã An Hoà hoạt động trở lại, vùng An Hoà trở thành vùng nguyên liệu quan trọng của nhà máy.

Hợp đồng ký kết cung cấp vật tư, tiền giống cho nông dân đầu vụ và thu mua sản phẩm vào vụ thu hoạch giữa Nhà máy và nông dân địa phương thông qua các HTX nông nghiệp được thiết lập có cơ quan chính quyền làm "trọng tài". Cách làm này trút đi gánh nặng tiêu thụ cho nông dân và "sức bền" của vùng nông nghiệp chuyên canh này ngày một trở nên vững chãi hơn.

Qua nhiều năm làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hoà, hàng ngàn hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên thành triệu phú. Vùng dưa chuột chuyên canh đã lên trên 300 ha.

Hiện nay, ở Vĩnh Phúc đã có trên 10 mô hình chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi trong đó có nhiều mô hình rất độc đáo.

Đó là vùng chuyên chậu hoa cây cảnh ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch. Vùng chuyên rau như ở các xã Chấn Hưng, Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường), các phường Tích Sơn, Định Trung của thành phố Vĩnh Yên. Lại có vùng chuyên nuôi rắn như xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường), xã chuyên nuôi nhím Bạch Lưu (Huyện Lập Thạch), xã chuyên nuôi thỏ như Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường).

Theo Nguyễn Văn Chữ
TTXVN

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.