VN Airlines thua kiện: Thay đổi bản án đã 10 năm?

VN Airlines thua kiện: Thay đổi bản án đã 10 năm?
Trả lời báo chí vào chiều 6/6 về việc thua kiện 5,2 triệu euro, đại diện VN Airlines (VNA) cho rằng vẫn tiếp tục kháng cáo bản án. Liệu VNA có khả năng thay đổi tình thế của vụ án này không?

Năm 1995, Tòa án Rome của Ý mở phiên tòa xét xử vụ kiện giữa luật sư Maurizio Liberati với Công ty Falcomar (của Ý), yêu cầu công ty này phải thanh toán chi phí cho các công việc mà luật sư Liberati thực hiện.

Do Falcomar là đại lý của VNA nên tòa đã triệu tập đại diện VNA tham dự tòa. VNA không cử người đến tòa, không biết rằng tòa án đã tuyên buộc VNA bồi thường cho ông Liberati hơn 4,8 tỉ lia, đồng thời phải thanh toán chi phí luật sư là 58,5 triệu lia. VNA cũng không kháng cáo bản án này.

Năm 2002, phía nguyên đơn yêu cầu VNA phải thanh toán tổng cộng 1,3 triệu euro nhưng VNA vẫn làm ngơ. Phía nguyên đơn đã đề nghị thi hành án và tháng 8-2004 thì Tòa án Paris ra lệnh phong tỏa khoản tiền 1,3 triệu euro của VNA trong tài khoản tại Pháp.

VNA khởi kiện, yêu cầu Tòa án Paris giải tỏa lệnh kê biên nhưng bản án sơ thẩm ngày 28/5/2004 của Tòa án Paris đã tuyên bác yêu cầu của VNA. Như vậy, tại Tòa án Paris, VNA là nguyên đơn và VNA kháng cáo.

Ngày 9/3/2006, Tòa án Paris đã mở phiên tòa phúc thẩm tuyên bố bác yêu cầu giải tỏa kê biên của VNA, đồng thời buộc VNA phải nộp vào tài khoản cho đủ số tiền 5,2 triệu euro để thi hành bản án do Tòa án Rome xét xử.

Vì sao vụ tranh chấp đòi chi phí thuê luật sư tại Rome diễn ra giữa luật sư Liberati và Công ty Falcomar mà VNA lại bị buộc phải bồi thường? Theo một thông tin mà chúng tôi nắm được, mặc dù giữa VNA và Công ty Falcomar chỉ là quan hệ đại lý nhưng VNA đã có một sơ hở (cũng có thể là do không hiểu pháp luật) là ký một văn bản ủy quyền toàn bộ cho Falcomar. Chính vì văn bản ủy quyền này mà khi Công ty Falcomar bị giải thể nên tòa án mới buộc VNA phải chịu bồi thường thay cho Công ty Falcomar.

Còn việc phía Pháp phong tỏa tài khoản của VNA tại Pháp để thi hành bản án có hiệu lực của Tòa án Rome  là hoàn toàn có căn cứ, thường các quốc gia trong Liên minh châu Âu có ký cam kết về hỗ trợ tư pháp. Việc thi hành bản án của Tòa án Ý tại VN có thể khó nếu Chính phủ VN không hợp tác, nhưng tại các nước mà VNA có tài sản thì việc Tòa án Ý đề nghị các nước đó hỗ trợ thi hành án là hoàn toàn có thể.

Liệu sẽ còn phiên tòa phúc thẩm tại Ý?

Như vậy, có thể thấy trong vụ này, VNA đã tham gia hai quá trình tố tụng tại hai quốc gia khác nhau: thứ nhất là việc bị Tòa án Rome xét xử vì có liên quan trong vụ kiện của luật sư Maurizio Liberati với Công ty Falcomar. Thứ hai là việc bị Tòa án Paris ra phán quyết bằng hai bản án liên quan đến quá trình thi hành bản án của Tòa án Rome.

Trong vụ tranh tụng thứ hai giữa VNA và Tòa án Paris (VNA yêu cầu không được phong tỏa tài khoản của mình tại Pháp), có thể nói VNA đã hoàn toàn bị xử thua kiện tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, quá trình tố tụng này đã kết thúc. Phía Tòa án Paris quyết định sẽ vẫn tiếp tục phong tỏa tài khoản của VNA.

Còn trong vụ tố tụng thứ nhất của luật sư Liberati thì vụ việc mới chỉ được Tòa án Rome xét xử bằng trình tự sơ thẩm. VNA cho rằng vẫn đang kháng cáo để yêu cầu xét xử phúc thẩm. Liệu Tòa án Ý sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét lại bản án sơ thẩm đã xét xử từ 10 năm trước hay không? Trao đổi với chúng tôi, luật gia Trương Trọng Nghĩa nói:

“Theo tôi, việc VNA cho rằng sẽ tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm từ năm 1995 của Tòa án Rome là rất khó có khả năng xảy ra. Tuy không nắm rõ qui định cụ thể của luật pháp Ý, nhưng thông thường theo luật pháp của một số nước và cả VN thì thời hạn để các bên đương sự kháng cáo không thể muốn kéo dài bao lâu cũng được.

Ví dụ, ở VN thời hạn này là 15 ngày, một số nước khác thời hạn kháng cáo có thể khác nhau nhưng theo tôi bản án sơ thẩm của Rome xét xử cách đây đã 10 năm thì khả năng mở phiên tòa phúc thẩm là chưa từng có theo thông lệ của thế giới.

Dù vậy, theo tôi nắm được thì dù bản án của Rome đã có hiệu lực pháp luật vẫn có thể được xem xét lại theo một trình tự thủ tục nào đó nếu phát hiện vụ án có những tình tiết mới hoặc có các vi phạm về thủ tục hay thẩm quyền: chẳng hạn như VNA không là bị đơn trong vụ án mà chỉ là người liên quan nhưng lại bị buộc phải bồi thường... Thủ tục của phiên tòa này có thể tương tự như trình tự xét xử giám đốc thẩm hay tái thẩm của VN”.

Tuy nhiên, trong ngày 8/6, báo Tuổi Trẻ có nhận được văn bản (không có số, không ghi ngày tháng, không có chữ ký và không có dấu) của ông Nguyễn Văn Nam - đại sứ VN tại Y. Theo văn bản này, ông Nam cho rằng nguyên  đơn Liberati có nhiều khuất tất trong việc khởi kiện vụ án. Hiện VNA đã nắm được chứng cứ về sự mờ ám và đang thuê Văn phòng luật sư Guerreri tại Rome bảo vệ lợi ích cho mình.

Theo ông Nam, Văn phòng luật sư Guerreri đã kháng án yêu cầu Tòa án Rome hủy bỏ và đình chỉ việc thi hành bản án sơ thẩm. Cũng theo ông Nam, ngày 17/10/2006 Tòa án Rome sẽ phán xét đơn kháng án, dự kiến phiên phúc thẩm tại Tòa phúc thẩm Rome được tiến hành vào ngày 13/7/2007.     

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG