VN đã có những tiến bộ lớn trong Quy chế nền kinh tế thị trường

VN đã có những tiến bộ lớn trong Quy chế nền kinh tế thị trường
TPO - Đây là khẳng định của ông Fritz Harald Wenig, Cục trưởng Cục các biện pháp Bảo vệ thương mại thuộc Tổng cục Thương mại của Uỷ ban châu Âu (EU) trong cuộc trao đổi với báo giới chiều 9/3 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của vị đại diện Tổng cục Thương mại của EU, trong quá trình thực thi hiện tại đối với các cam kết WTO, Việt Nam đã đạt được tiến triển trên một số lĩnh vực bao gồm lĩnh vực liên quan tới sự can thiệp của Chính phủ vào các hoạt động của các công ty (như loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu…), đơn giản hoá việc thành lập công ty, chấp thuận các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường cơ chế phá sản và Luật sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc được công nhận nền kinh tế thị trường. Cuộc họp giữa EU và các bộ ngành của Việt Nam lần này nhằm giúp xác định và hiểu rõ hơn những vấn đề còn tồn tại.

“Việc trao quy chế nền kinh tế thị trường không những là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam mà còn đối với Uỷ ban châu Âu (EC). Nhiều tiến triển đã đạt được trong thời gian ngắn"- Ông Fritz Harald Wenig nói.

Cũng theo ông Fritz Harald Wenig, EU đã tiến hành xem xét đề nghị được công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam qua 5 tiêu chí:

Mức độ ảnh hưởng của nhà nước đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp; Không có hiện tượng Nhà nước bóp méo hoạt động của các DN liên quan đến cổ phần hoá và không có việc sử dụng các hệ thống đền bù hay thương mại phi thị trường; Sự tồn tại của một hệ thống quản trị doanh nghiệp thích hợp; Sự tôn trọng các luật sở hữu (trong đó có các luật sở hữu trí tuệ) và sự tồn tại của một cơ chế phá sản đang vận hành; Sự tồn tại của một khu vực tài chính đích thực hoạt động độc lập với Nhà nước và chịu sự điều chỉnh của các quy định bảo lãnh đầy đủ và sự giám sát thích đáng.

Theo đánh giá của vị đại diện EU, thì trong thời gian qua Việt Nam cũng đã có những tiến triển rất lớn trong vấn đề cổ phần hoá các công ty nhà nước.

Tuy nhiên câu trả lời cuối cùng cho việc đến bao giờ Việt Nam sẽ được EU công nhận có nền kinh tế thị trường phụ thuộc rất lớn vào khả năng triển khai các luật ở Việt Nam cũng như việc giám sát thực hiện các luật này như thế nào.

Dự kiến, khoảng tháng 6 tới sẽ có cuộc họp tiếp theo của đoàn công tác tại châu Âu để xem xét những vấn đề liên quan đến việc công nhận Quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra đề nghị được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường vào tháng 6/2004. Uỷ ban của EU đã tiến hành một đánh giá đầu tiên vào tháng 10/2004.

Tháng 6/2005, Việt Nam đã cung cấp hầu hết thông tin và nguyên văn các luật được yêu cầu cho EU nhân cuộc họp về Quy chế nền kinh tế thị trường do Bộ Thương mại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tháng 10/2006, EU đã đưa ra đánh giá thứ ba đối với việc thực hiện Quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

MỚI - NÓNG