VN - Index khó đột phá...

VN - Index khó đột phá...
Cuối năm 2007, đầu năm 2008, thị trường chứng khoán VN đã chứng kiến một sự sụt giảm "chưa từng thấy" khi ngưỡng 800 điểm bị phá vỡ, VN-Index trở về với vạch xuất phát cách đây một năm.
VN - Index khó đột phá... ảnh 1

Với kết thúc và khởi động đầy kịch tính này, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang, kênh đầu tư chứng khoán trở nên yếu thế khi đặt lên bàn cân với các kênh đầu tư vàng, bất động sản...

Nhân dịp đầu năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Huy Nam, chuyên gia tài chính - chứng khoán tại TP.HCM về những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm trên thị trường chứng khoán.

Đối với hầu hết mọi người, thị trường chứng khoán năm 2007 đã kết thúc đầy kịch tính, với ông thì sao?

Có thể gói gọn trong câu "đầu năm cười tươi, cuối năm khóc ròng". Theo tôi, đây là một năm xứng đáng để tất cả những người có dính dáng, liên quan tới thị trường chứng khoán như cơ quan quản lý; các công ty chứng khoán, các định chế phục vụ, công ty niêm yết và cả nhà đầu tư... rút kinh nghiệm.

Cận Tết Nguyên đán, VN-Index đã giảm rất sâu. Nguyên nhân lớn nhất được cho là do nguồn cung quá lớn khiến thị trường bị "bội thực", ông có cho là như vậy?

Nguồn cung lớn chỉ là một phần. Đây là diễn tiến sau một thời gian dài do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố. Nếu như trước đây, các chính sách có tác động rất lớn đến thị trường thì nay đã khác.

Theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là do chủ trương phát triển thị trường chưa cân đối. Giữa thị trường niêm yết và thị trường OTC cũng không cân đối. Lực lượng đầu tư có tính chất làm cho thị trường sôi động quá yếu (số lượng nhà đầu tư còn nhỏ so với dân số; nhỏ so với sự phát triển của các thành tố khác); hàng loạt các phép tính sai về thị trường đã xảy ra trong năm qua.

Ví dụ như các công ty niêm yết đã đánh giá sai độ lớn của thị trường khi tung ra một lượng hàng quá lớn trong khi thị trường của ta chưa đủ độ rộng để tiêu hóa hết lượng CP này; độ mạnh để thị trường hoạt động liên tục cũng chưa có. Họ cũng đánh giá sai về giá cả của CP nên dẫn đến việc hàng loạt các công ty định giá quá cao khi lên sàn làm cho cả nhà đầu tư và các công ty sau một thời gian vui vẻ phải suy nghĩ lại.

Cảm giác của ông thế nào khi ngưỡng 800 điểm bị phá vỡ ngay những phiên giao dịch đầu năm 2007?

Đáng tiếc. Theo tính toán của tôi, kết thúc năm 2007 VN-Index dừng ở mức 1.000 điểm là đẹp. Còn trở về với "vạch xuất phát" cách đây một năm thì phải xem xét lại một cách nghiêm túc bởi như vậy có nghĩa là không có sự phát triển nào trong cả năm qua. Nhưng thị trường là như vậy, nỗi buồn của người này là niềm vui của người khác. Nếu không có sự đánh giá quá lạc quan trong khi xem xét các yếu tố lớn, mạnh của thị trường thì đã không xảy ra điều đáng tiếc này.

Giá CP được "vỗ béo" ở dưới sàn và ai cũng chờ đợi nó lên sàn để "làm thịt". Tâm lý này khiến cho những người ở dưới sàn sẵn sàng bán khi niêm yết khiến giá CP bị kéo xuống. Đây là một trong những vấn đề làm cho thị trường diễn tiến không bình thường.

Vậy làm thế nào để tăng sức mạnh cho thị trường, thưa ông?

Hiện nay số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,3% dân số. Muốn có một thị trường khỏe mạnh và không bị phản ứng quá nhạy cảm thì con số này phải từ 1-2%.

Bên cạnh đó, lượng tiền thường trú trên thị trường phải đạt mức khoảng 2% tổng vốn hóa trên thị trường thì thị trường mới đủ mạnh, mới đủ sức tiêu thụ hết lượng hàng hóa phát hành và chống chịu với các chính sách đưa ra đột ngột.

Lượng giao dịch hiện nay quá nhỏ so với tổng vốn hóa (giao dịch trung bình khoảng 1.000 tỉ đồng trong khi tổng vốn thị trường là 500.000 tỉ đồng). Vì vậy, việc cấp bách là phải xây dựng thị trường thứ cấp thật tốt.

Chúng ta luôn nghĩ thị trường chứng khoán là nơi để các công ty huy động vốn là sai lầm. Đây là thị trường phục vụ tính thanh khoản, có thanh khoản mới huy động vốn được.

Theo ông đâu là giải pháp để giúp thị trường "vui" trở lại?

Có thể nói, thị trường hiện nay không còn vui, buồn ngắn hạn nữa. Đây là hệ quả của một quá trình dài khiến thị trường suy yếu chứ không phải buồn. Nếu thị trường buồn thì chỉ một tin vui nó sẽ vui trở lại nhưng nói suy yếu thì phải có một liều dinh dưỡng, phải có một phác đồ điều trị mới có thể cứu nổi.

Và phác đồ điều trị đó là...

Các thành tố tham gia vào thị trường phải có trách nhiệm điều hòa thị trường, trong đó Nhà nước phải giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành những "kẻ" quên trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đơn cử như ở tình huống thị trường xuống tới mức gần khủng hoảng thì vấn đề điều hòa rất quan trọng để không gây tác động đến tâm lý chung của thị trường. Phải có kịch bản giải cứu cụ thể cho các tình huống...

Với tất cả sự kịch tính vừa nói trên, theo ông thị trường những ngày đầu năm mới này sẽ diễn tiến như thế nào?

Chưa có yếu tố hỗ trợ căn cơ nào cho sự bật lên của thị trường nhưng theo tôi, xu hướng tăng là có. Tuy nhiên, dù tăng hay giảm thì VN-Index cũng không tới các thái cực, không quá sâu sắc như năm qua. Tôi vẫn hy vọng ở mức tăng trên dưới 30%.

Giới chuyên gia các ông thường được cho là lạc quan nhất trong mọi tình huống nhưng có vẻ như nhận xét này không còn đúng nữa?

VN-Index tụt xuống ngưỡng 800 điểm thì khó có thể lạc quan vì nó nằm ngoài mức tiên lượng của hầu hết mọi người. Ngay bản thân tôi cũng cho rằng, cuối năm 2007, VN-Index sẽ ở mức 1.000 điểm. Nhưng như thế không có nghĩa là bi quan, các nhà đầu tư đã có một thời gian rèn giũa và họ đã hiểu biết, kinh nghiệm hơn rất nhiều. Với các đối tượng này, sự trồi sụt của thị trường cũng có thể là cơ hội để làm bàn.

Theo Nguyên Hằng
Thanh Niên

MỚI - NÓNG