Ông Supachai Panitchpakdi - Tổng Thư ký Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc:

VN trong top 6 điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

VN trong top 6 điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài
TP - Tổng Thư ký Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi đã khẳng định như vậy tại Hội thảo công bố dự thảo Báo cáo chính sách đầu tư Việt Nam tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.
VN trong top 6 điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài ảnh 1

Ông Supachai Panitchpakdi - Tổng Thư ký UNCTAD  Ảnh: N.P.C 

Bản báo cáo này sẽ được UNCTAD hoàn tất và công bố tại Giơnevơ (Thuỵ Sỹ) trong thời gian tới, trong đó có nhiều khuyến nghị rất bổ ích để giúp Việt Nam trở thành tâm điểm đầu tư của thế giới.

Ông Supachai Panitchpakdi khẳng định: Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn cả về chính trị, kinh tế và xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao và trở thành một hình mẫu về phát triển cho các nước khác trên thế giới.

Để đạt được những kết quả đó là nhờ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển. Hiện, Việt Nam là nước nằm trong danh sách ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Với xu hướng ngày càng tăng trong việc thu hút FDI, Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình và là “con hổ” mới ở châu Á.

Theo ông, đâu là những yếu tố quyết định đến sự chuyển biến mạnh mẽ ở Việt Nam?

Thứ nhất, đó là những cải cách về thể chế và đưa ra nhiều chính sách đổi mới. Những chính sách đổi mới đã giúp Việt Nam chuyển dịch sang một nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tiến hành mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực đó thể hiện ở việc thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu.

Tiếp đến là Việt Nam đã có những thay đổi và ban hành thêm nhiều luật mới liên quan đến đầu tư. Những luật mới ban hành cho thấy Việt Nam ngày càng mở cửa hơn nữa để hoà nhập với nền kinh tế thế giới đặc biệt là sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO. Các nhà đầu tư nước ngoài đã hưởng ứng rất mạnh mẽ trước những thay đổi chính sách này.

Hơn nữa, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ sản xuất để xuất khẩu sang lĩnh vực công nghệ cao và việc Tập đoàn Intel (Mỹ) đầu tư hơn 1 tỷ USD vào TPHCM đã chứng minh điều đó. Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong bản đồ thế giới về thu hút FDI và là sự lựa chọn của nhiều Cty đa quốc gia.

Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, vốn FDI có vai trò vô cùng quan trọng đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Tác động của đầu tư nước ngoài đối với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam đó là phát triển công nghiệp và thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua xuất khẩu hàng hoá.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm và có tác động rất lớn về mặt xã hội như: tạo ra của cải, đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo...

Hiện, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30% trong việc tạo ra sản lượng công nghiệp; tạo 18,1% lượng công ăn việc làm. Hơn nữa, luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng.

Theo dự báo, năm 2007 sẽ thu hút được khoảng 17 tỷ USD vốn FDI. Điều này chứng tỏ Việt Nam chiếm một vị trí đáng kể trên bản đồ đầu tư đối với các nhà đầu tư trong tương lai, là điểm đến hấp dẫn để cho các nhà đầu tư cân nhắc.

Sự thành công này đã giúp Việt Nam trở thành một phương án lựa chọn khác đối với các nhà đầu tư nước ngoài thay thế cho Trung Quốc. Đặc biệt, để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, Việt Nam sẽ là sự lựa chọn mới của các nhà đầu tư thay vì họ phải đến Trung Quốc.

Các nhà đầu tư nhận xét thế nào về môi trường đầu tư Việt Nam thưa ông?

Phản ứng của các nhà đầu tư đối với các chính sách của Việt Nam là rất tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề mà Việt Nam cần phải củng cố và thay đổi đó là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn hoạt động một cách tách biệt và vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ hay việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.

UNCTAD sẽ tiến hành những đánh giá và có những cuộc họp để các nước trao đổi những kinh nghiệm có liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Trong bản báo cáo đánh giá của UNCTAD về chính sách đầu tư, Việt Nam được xếp là một trong 6 nước là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bản báo cáo chính sách đầu tư sắp công bố tại Giơnevơ sắp tới, UNCTAD đưa ra những khuyến nghị gì để giúp Việt Nam?

Chính phủ Việt Nam cần chuyển từ đường lối chỉ đạo, kiểm soát sang điều tiết giám sát và đảm bảo thực thi.

Tin rằng Việt Nam sẽ có lợi khi mà chúng ta cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng và như vậy nó sẽ giúp Việt Nam đa dạng hoá đầu tư nước ngoài mà không hạn chế ở lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu.

Chính phủ Việt Nam nên cho phép lao động nhập cư để có thể nhập khẩu những kỹ năng mà lao động Việt Nam đang cần hoặc thiếu. Chính phủ Việt Nam cũng cần đơn giản hoá hệ thống thuế để giúp các cơ quan quản lý dễ dàng thực thi và cũng dễ dàng cho việc áp dụng những cơ chế chính sách này.

Về ngắn hạn, đó là phải tạo ra cơ chế một cửa. Cơ chế một cửa là bước đi quan trọng trong ngắn hạn. Tức là cần phải triển khai các chính sách một cách đồng bộ giữa các địa phương khác nhau nhằm tránh sự phân biệt đối xử với các nhà đầu tư ở các địa phương khác nhau.

Điều này đảm bảo rằng, các địa phương nghèo, kém phát triển cũng thu hút được đầu tư và có lợi ích từ thu hút đầu tư chứ không phải chỉ tập trung ở những trung tâm lớn, thành phố lớn. Việc áp dụng chính sách một cách đồng bộ, thống nhất sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào các tỉnh nghèo.

MỚI - NÓNG