VN vào WTO: “Không thể có thời điểm nào hoàn hảo hơn”

VN vào WTO: “Không thể có thời điểm nào hoàn hảo hơn”
Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội Tom O’Dore với hãng tin BBC (Anh quốc) ngay khi có thông tin Ban Công tác về đàm phán gia nhập WTO thông qua hồ sơ của Việt Nam.
VN vào WTO: “Không thể có thời điểm nào hoàn hảo hơn” ảnh 1

Theo BBC, việc Việt Nam gia nhập WTO chỉ còn là thủ tục.

Hãng tin trên cũng lập tức có bài bình luận về sự kiện này, trong đó nhấn mạnh cơ hội đã thực sự mở ra khi vấn đề Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ còn là thủ tục.

Một nhóm công tác của WTO đã thông qua các văn bản ghi lại những điều khoản cho việc gia nhập của Việt Nam. Các văn bản này sẽ được đưa ra trước cuộc họp của Đại hội đồng WTO, dự kiến diễn ra ngày 7/11, nhưng việc thông qua chỉ còn là thủ tục.

Ngay sau đó, Quốc hội Việt Nam sẽ phải thông qua các thỏa thuận và chính thức thông báo cho WTO. Đúng 30 ngày sau khi các thủ tục đã làm xong, Việt Nam sẽ chính thức là thành viên của WTO.

Theo đánh giá của BBC, một điểm quan trọng là khi hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc tại Hà Nội vào ngày 12/11 tới, “các lãnh đạo khu vực sẽ ở trong vị thế đối xử với Việt Nam như một thành viên của WTO”.

“Thời điểm không thể nào hoàn hảo hơn cho Việt Nam”, Tom O’Dore, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, nói. Một nhà ngoại giao châu Á tại Hà Nội cũng cho rằng: “Hiện Việt Nam chưa được chính thức gia nhập WTO, nhưng có thể xem như mọi chuyện đã xong”.

Khía cạnh đầu tiên mà BBC đề cập đến khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO là lĩnh vực dệt may, với nhiều thuận lợi hơn so với hiện nay.

Việt Nam hiện đang bị áp thêm thuế đối với sản phẩm giày xuất sang Liên minh châu Âu. Khi nhận được quy chế thành viên của WTO không có nghĩa là sẽ chặn được những hành động áp thuế đó, nhưng sẽ có những quy tắc áp dụng đối với hàng bán phá giá và Việt Nam có quyền khiếu nại nếu các nguyên tắc đó chưa được tuân thủ.

Trong bản thỏa thuận được thông qua hôm qua (26/10), bao gồm 560 trang, đề cập khá chi tiết về các mức thuế, quota và mức trần đối với trợ cấp nông nghiệp, cùng với thời khóa biểu về việc giảm trợ giá. Trong đó cũng bao gồm 60 trang đề cập đến các dịch vụ mà Việt Nam đồng ý mở cửa và các điều kiện, trong đó có hạn chế đối với sở hữu nước ngoài.

Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường, nhưng để đổi lại, các mặt hàng xuất khẩu như cà phê, dệt may và gạo sẽ được bảo vệ theo quy định của WTO khi xuất sang các nước khác.

Trong các văn bản nói trên, về các dịch vụ, khu vực như ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông, Việt Nam cam kết sẽ mở cửa nhưng sẽ có những lộ trình thích hợp.

Dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội lần này, các cam kết liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ được công bố. Trong những phiên họp gần đây, một số đại biểu quốc hội cũng đã đưa ra yêu cầu phải đẩy nhanh việc công bố những cam kết trên để doanh nghiệp và người dân nắm bắt và chủ động hơn.

Theo T.M.Đức
Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.