VND/USD tăng thêm 1%: Hết dư địa điều chỉnh tỷ giá?

VND/USD tăng thêm 1%: Hết dư địa điều chỉnh tỷ giá?
TP - Hai lần điều chỉnh tỷ giá sử dụng hết 2% dư địa chỉ trong 5 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, những biến động kinh tế vỹ mô trong nước và cả tác động bên ngoài đã “chạm” mạnh lên chính sách tiền tệ. Từ nay đến cuối năm, còn diễn biến nào về tỷ giá, Nhà điều hành có thực hiện được lời hứa sẽ chủ động dẫn dắt thị trường?

Mang cả “ba lô” USD đi bán

Sáng ngày 7/5, phố Hà Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội), trung tâm giao dịch ngoại tệ “chợ đen” tấp nập người đến giao dịch ngoại tệ. Tại tiệm vàng Q.T, số lượng xe máy, ô tô đỗ làm tắc cả một đoạn đường nhỏ. Bước xuống từ taxi, một người đàn ông cao to xách một ba lô đựng tiền vào tiệm vàng. Dường như là khách quen của cửa hàng, người đàn ông bước thẳng vào gian trong, nơi đang tấp nập mua bán ngoại tệ.

Sau một quãng thời gian chờ đợi thấy người đàn ông mang “ba lô” tiền mới bước ra khỏi cửa hàng. Hỏi chuyện được biết, gia đình anh có 50.000 USD gửi tiết kiệm với giá lúc mua: 21,008 đồng/USD. Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, lập tức anh rút tiết kiệm bán USD. “Tôi nghe ngóng mấy ngày hôm nay khi giá USD tăng liên tục. Cuối giờ chiều hôm qua, khi tôi gọi điện cửa hàng báo giá USD mua vào 21.650 đồng/USD nhưng sáng nay tăng lên: 21,680 đồng/USD nên tôi quyết định bán. Tôi đem toàn bộ số tiền bán được mua vàng tại cửa hàng vì nghĩ thời gian tới giá vàng sẽ tăng”, người đàn ông này nói.

“Sang năm 2015, rõ ràng kỳ vọng của cơ quan quản lý vẫn là giữ cam kết 2%. Tuy nhiên, chúng ta nên theo dõi sát diễn biến trên thị trường đồng thời căn cứ trên các dự báo tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán và diễn biến của quan hệ tỷ giá hối đoái giữa USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới để có quyết định điều hành tỷ giá phù hợp”.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh 

Chỉ trong chưa đầy một tiếng buổi sáng, lượng người mang USD đi bán tăng đáng kể. Việc bán USD tăng đột biến nên khi PV hỏi giá mua bán USD trong ngày, nhân viên cửa hàng này chỉ nói: “Bán số lượng bao nhiêu? Giá cao hơn hôm qua 3 đồng/USD”. Một phụ nữ tuổi trung niên bước ra khỏi cửa hàng vội vã lên ô tô đợi sẵn ở cửa tiết lộ: “Tôi ôm từ trước nghỉ lễ, nay chênh cao thu lãi cả tỷ đồng. Trong bối cảnh thế này, lãi đến đâu chốt đến đó. Diễn biến tỷ giá khó lường trước được nên phải bán ngay”.

Tại nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, giao dịch ngoại tệ “kín kẽ” hơn dù lượng người bán không ngừng gia tăng. Tại tiệm vàng P.Q, khách bán ngoại tệ được nhân viên hướng dẫn lên gác hai. Một nhân viên bảo vệ cho biết, từ chiều ngày 6/5, lượng khách bán USD đông nhưng sáng nay đông hơn. Trong khi đó, nhiều người dân có việc phải mua USD tức tưởi vì mất oan tiền do việc tăng giá đột ngột này. Chị Bích Hằng (Kim Mã, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đến thời kỳ đóng tiền học cho con ở nước ngoài nên buộc phải mua USD. Vì đi công tác xa nên hôm nay mới về rút tiền Việt tiết kiệm để mua ngoại tệ. Không ngờ sau một ngày tôi mất vài triệu tiền chênh”.

VND/USD tăng thêm 1%: Hết dư địa điều chỉnh tỷ giá? ảnh 1

5 tháng đầu năm, tỷ giá VND/USD đã dùng hết dư địa 2%  dự kiến. Ảnh: Như Ý.

Lập mặt bằng giá mới

Chiều 7/5, ngay sau quyết định điều chỉnh của NHNN, tại Vietcombank, giao dịch có tăng nhưng không nhiều. “Trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mua bán với khách hàng, chúng tôi đều mua ròng”, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết. Trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin: Ngay sau khi NHNN thông báo điều chỉnh tăng 1% tỷ giá vào sáng 7/5, “cầu” USD trên thị trường đã giảm dần. Đến 2h chiều 7/5, tỷ giá giảm về mức 21.660 và 21.670 đồng/USD và tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân đều được các TCTD đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tổng giá trị giao dịch từ sáng đến chiều 7/5 theo thống kê của NHNN vào khoảng 700 triệu USD. Nói về điều hành chính sách tỷ giá của NHNN từ nay đến cuối năm, bà Hồng khẳng định: “NHNN sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để có thể ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới và tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường”.

Nhìn nhận “cú” phá giá 1% VND/USD này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN hành động hợp lý với diễn biến thị trường. Theo ông Hiếu nếu không điều chỉnh tỷ giá lúc này NHNN sẽ phải “gánh” chi phí cơ hội rất lớn khi các NHTM, nhà đầu cơ mua gom USD giá rẻ tại NHNN rồi đem ra thị trường tự do bán với giá cao để hưởng chênh lệch. Như vậy, giới đầu cơ sẽ trục lợi, “ăn trên lưng” của NHNN. Đây là tình huống bắt buộc mà NHNN phải làm trong lúc này, vừa để bình ổn thị trường, trấn an tâm lý, vừa giúp NHNN mua được ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối”- ông Hiếu nhìn nhận và đồng thời khẳng định với PV Tiền Phong vẫn  bảo lưu quan điểm mức phá giá VND/USD hết năm sẽ là 3% chứ không thể là 2% như NHNN đã công bố. “Bắt đầu từ sang năm NHNN chỉ nên đưa ra định hướng chứ không nên “đóng cứng””- ông Hiếu lưu ý.

Bà Hoàng Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Ngân hàng) cho rằng, yếu tố đáng e ngại nhất chính là cán cân thương mại hiện đang thậm hụt và việc điều chỉnh lần này ít nhiều có tác động từ thực tế đó. Bà Hoàng Anh nhấn mạnh: NHNN điều chỉnh tỷ giá chứ không can thiệp bán ra, có thể vì muốn bảo toàn khoản dự trữ ngoại hối 35 tỷ USD. Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận việc điều chỉnh đã hỗ trợ một phần cho xuất khẩu; giải tỏa một phần tâm lý chờ đợi; giúp doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch tài chính kinh doanh…

MỚI - NÓNG