VN-Index còn 564,82 điểm

VN-Index còn 564,82 điểm
TPO - Hôm nay, chỉ số chung trên sàn TPHCM mất điểm phiên thứ tư liên tiếp, giảm 8,63 điểm, xuống còn 564,82 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất tính từ giữa năm 2006 đến nay.
VN-Index còn 564,82 điểm ảnh 1
VN-Index xuống còn 564,82 điểm. Nhiều nhà đầu tư lo lắng

Bất chấp những thông tin tích cực đối với thị trường, như Chính phủ quyết tâm cứu thị trường chứng khoán hay chứng khoán thế giới phục hồi mạnh mẽ sau tin FED cắt giảm lãi suất các khoản vay nóng giữa các NH thương mại từ 3,0% xuống 2,25%..., chứng khoán vẫn mất điểm phiên thứ tư liên tiếp trong tuần.

Đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng đây là thời điểm thử thách bản lĩnh của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư nào bán tháo cổ phiếu thì sẽ thất bại, ngược lại ai có quyết định mua vào thông minh sẽ thắng. Nguyên nhân sụt giảm của thị trường hiện nay có yếu tố tâm lý không lành mạnh, nên cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế trung gian… cần cung cấp thông tin chính xác, nhanh nhạy cho nhà đầu tư để tránh phản ứng tiêu cực.

Một số chuyên gia “lướt sóng” cũng cho rằng thị trường xuống thấp trong một vài phiên tới sẽ khiến SCIC phải ra tay vực thị trường mạnh hơn, khi đó, sẽ là dịp khá tốt để “lướt”.

Trả lời câu hỏi của Tiền phong về việc có nên cứu thị trường như SCIC đã làm hồi đầu tháng 3 vừa qua, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả, Bộ Tài chính cho rằng nếu để thị trường chứng khoán phát triển ổn định thì cứ để 600 điểm không cần phải cứu.

Điều này là do đến nay đã có quá nhiều người gắn quyền lợi với thị trường chứng khoán đặc biệt là những người có tiền và có quyền nên nhà nước mới cứu. Trước đây đã có rất nhiều dự báo của các chuyên gia về việc thị trường sẽ xuống mức 600 điểm nhưng không ai quan tâm.

Cũng theo ông Ánh, SCIC là nhà đầu tư lớn và là công cụ của Nhà nước, do đó có tác động nhất định tới việc bình ổn thị trường. Tuy nhiên, thời điểm và thị trường đã đến mức cần phải bình ổn hay không thì cần nghiên cứu. Nguyên nhân là, để kìm giữ đà sụt giảm chứng khoán, nhà nước đã hạn chế IPO. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp trong khi Việt Nam đã chậm tiến độ rất nhiều so với mục tiêu cổ phần hóa toàn bộ vào cuối năm 2005.

Trở lại phiên giao dịch hôm nay, chỉ số chung trên sàn TPHCM mất điểm phiên thứ tư liên tiếp với mức giảm 8,63 điểm (1,50%) xuống còn 564,82 điểm. Với mức giảm này, VN-Index chính thức tụt xuống mức giảm sâu nhất tính từ giữa năm 2006 đến nay.

Trước đó, ngày 5/3, hàn thử biểu trên sàn TPHCM đã tụt xuống mức 583,45 điểm, buộc SCIC phải chính thức tham gia cứu thị trường.

Khối lượng giao dịch của phiên hôm nay cũng giảm mạnh so với hôm qua với trên 15,17 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng giá trị 9,38,1 tỷ đồng.

Tiếp nối đà giảm của phiên trước, nhiều blue-chips vẫn tiếp tục giảm sàn. Tuy nhiên lượng mã “xanh” cũng tăng nhiều hơn khiến đà giảm sâu của thị trường nhìn chung đã chững lại. Một số nhà đầu tư nhận định thị trường có thể đi lên trong vài phiên tới.

BMC, NTL và TCT vẫn là ba mã có mức giảm mạnh nhất phiên với mức 7.000 đồng, xuống lần lượt còn 141.000 đồng, 134.000 đồng và 144.000 đồng/cổ phiếu. Các mã giảm mạnh khác có DMC (6.000 đồng), DQC (5.000 đồng), FPT (5.000 đôdng), NKD (4.000 đồng), SC5 (4.000 đồng), SJS (6.000 đồng), VSC (3.500 đồng).

Với mức tăng 6.000 đồng, DHG của Dược Hậu Giang là mã tăng mạnh nhất phiên, lên 168.000 đồng/cổ phiếu. Các mã có mức tăng mạnh khác là IMP (3.000 đồng), TDH (3.000 đồng), VNM (4.000 đồng), VIS (2.100 đồng)…

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index giảm nhẹ 1,61 điểm (0,81%) xuống còn 196,17 điểm. Lượng giao dịch cũng giảm nhẹ với trên 4,17 triệu đơn vị khớp, tương ứng giá trị 204.48 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG