VN-Index sẽ lên 750 điểm?

VN-Index sẽ lên 750 điểm?
TP - Thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng 136 phần trăm so với đáy hồi tháng 2/2009. Vấn đề được giới đầu tư quan tâm là từ nay đến cuối năm tiền có tiếp tục đổ vào chứng khoán và VN- Index sẽ duy trì ở ngưỡng nào?

Một tuần đặc biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua. Mặc dù VN-Index chỉ tăng 11,83 điểm/tuần và đóng cửa ở mức 582,84 điểm nhưng hoạt động giao dịch của thị trường đã có bước chuyển ngoạn mục. Trung bình mỗi phiên, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng trên cả hai sàn đã vượt qua con số 100 triệu đơn vị, tương ứng khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, nhà đầu tư được ví là chuyên gia phân tích tại Cty Chứng khoán Quốc tế khẳng định: “Dòng tiền đang tiếp tục ở trong thị trường và dòng chảy mạnh mẽ của nó là dấu hiệu rất tốt. Nhiều mã cổ phiếu thuộc dòng bất động sản, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su hay một số mã cổ phiếu bánh kẹo, đường có dấu hiệu tiếp tục tích luỹ, hút giá trần”.

Tiền ở đâu dẫn vào chứng khoán nhiều đến vậy? Bộ phận tư vấn Cty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra cảnh báo: “Lượng tín dụng chính thức cho chứng khoán khoảng 7.400 tỷ đồng song thực tế có nhiều kênh có thể dẫn tín dụng đến với chứng khoán như tín dụng tiêu dùng, áp dụng các sản phẩm hợp tác đầu tư. Ước tính sơ bộ cho thấy lượng tín dụng của các ngân hàng thực chảy vào thị trường lên đến khoảng 19.000 tỷ cao gấp 2,5 lần con số chính thức”.

Nhà đầu tư cần tỉnh táo với việc sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên niềm tin quá mức vào xu thế tăng của thị trường với các nền tảng chưa thực sự vững chắc để tránh phải trả giá đắt như thời kỳ cơn bão giải chấp cổ phiếu vào đầu năm 2008.

VN-Index sẽ lên 750 điểm

Theo phân tích của SSI, giá trị giao dịch lớn trong ba tháng qua dựa trên hai nền tảng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có tăng trưởng rõ rệt với cùng kỳ năm trước và sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với việc tiếp tục hồi phục của kinh tế Việt Nam và thế giới cũng như các doanh nghiệp niêm yết.

Giám đốc Phân tích kinh tế SSI Nguyễn Thanh Hà cho rằng: “Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết vừa qua là lợi nhuận tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu. Điều này chủ yếu do doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu thấp do tác động của khủng hoảng và hưởng lợi từ vay được vốn lưu động với lãi suất thấp và ưu đãi.

Thêm vào đó, khoản hoàn nhập dự phòng tài chính gắn với biến động mạnh của TTCK cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trung bình 10 -15 phần trăm với các doanh nghiệp niêm yết và tỷ lệ cao hơn với các doanh nghiệp không chuyên đầu tư tài chính lớn trong năm 2007-2008”.

Từ thực tế này, ông Hà dự báo: Các nhân tố nói trên khó có thể kéo dài một cách vững chắc với doanh nghiệp trong thời gian tới khi mà mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào mới đã hình thành và các chính sách tiền tệ đang và sẽ  có nhiều thay đổi.

Đó là chưa kể, lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại và việc huy động các nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế luôn là bài toán hóc búa…

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc khối phân tích và tư vấn đầu tư, CTCK Thăng Long (TSC) dự báo, tháng 10, VN Index sẽ ở mức 575 - 647 điểm và kết thúc năm nay sẽ ở mức 750 điểm.

Cơ sở để đưa đến nhận định này là kết quả kinh doanh có xu hướng tốt hơn vào cuối năm; gói kích cầu thứ hai chuẩn bị ra đời. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đang dần có sự cải thiện (như: xuất khẩu tháng Chín tăng 3,5 phần trăm so với tháng Tám; lạm phát vẫn ở mức thấp; lãi suất giữ nguyên, chính sách tiền tệ vẫn sẽ ổn định).

“Tuy nhiên, thị trường có thể thay đổi không như dự đoán bởi rủi ro chính sách” - Ông Nghĩa nhận định.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.