VNPT có Tổng giám đốc mới

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Phạm Đức Long. Ảnh: T.C.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Phạm Đức Long. Ảnh: T.C.
Ông Phạm Đức Long, Phó Tổng giám đốc VNPT vừa được Bộ TT&TT chính thức bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 2/4/2015.

Ông Phạm Đức Long sinh năm 1970, tốt nghiệp Tiến sỹ Điện tử - Viễn thông tại Nhật Bản. Trước khi được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV VNPT từ tháng 12/2013, ông Long từng trải qua các vị trí Trưởng phòng Viễn thông; Phó GĐ rồi Giám đốc VNPT Tp.HCM. Ông Long giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn từ tháng 1/2014, phụ trách những lĩnh vực rất "nóng" và thách thức như kế hoạch, chiến lược, lao động, tiền lương, tái cơ cấu...

Với quyết định bổ nhiệm ông Phạm Đức Long, có thể nói hoạt động kiện toàn bộ máy lãnh đạo cao nhất của VNPT đã hoàn tất. Trước đó, Tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, thay ông Phạm Long Trận nghỉ hưu theo chế độ, từ ngày 23/3/2015. Điều này đồng nghĩa với việc chiếc ghế Tổng giám đốc đang tạm trống. 

Tại lễ công bố Quyết định bổ nhiệm ông Trần Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo, Tổng giám đốc VNPT là chức danh rất quan trọng, cần sớm quyết định để đảm bảo hoạt động của Tập đoàn được ổn định, không bị hẫng hụt.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ông Phạm Đức Long đã chia sẻ thẳng thắn rằng dù hoạt động sản xuất kinh doanh 2014 và đầu năm 2015 của VNPT có nhiều khởi sắc, tăng trưởng một cách bền vững, cho thấy quá trình tái cơ cấu đang đi đúng hướng, song so sánh với quá khứ của chính Tập đoàn cũng như với các đối thủ khác trên thị trường thì "kết quả này còn khá khiêm tốn". Vậy nhưng đâu đó trong Tập đoàn đã có người cảm thấy hài lòng với hiện tại, "thế đã là cao, khó lòng cao hơn nữa, hoặc khó tăng trưởng hơn được nữa".

"Phải chăng người VNPT đã hết khát vọng? Phải chăng chúng ta sống quá lâu với quá khứ nên ngại thay đổi, hoài nghi sự đổi mới? Nên hiểu rằng trong giai đoạn này, không cách nào khác là chúng ta phải đổi mới, phải có khát vọng, phải tái cơ cấu triệt để, đồng thời tạo được đột phá về hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới toàn diện cả về mô hình tổ chức lẫn cách thức hoạt động, sản xuất. VNPT cần nuôi khát vọng trở lại vị trí số 1, cũng như khát vọng chinh phục những thị trường mới như dịch vụ CNTT hay tiến ra thị trường nước ngoài", ông Long nhấn mạnh.

VNPT có Tổng giám đốc mới ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng tặng hoa cho tân TGĐ VNPT. Ảnh: T.C.

Tân Tổng giám đốc của VNPT cam kết sẽ nỗ lực hết mình, cùng với ban giám đốc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc "hòa đồng, gắn kết, cởi mở, cùng những cơ chế, động lực mới để nhân viên VNPT phát huy được hết sức sáng tạo, năng lực của mình".

Phát biểu tại lễ công bố Quyết định, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son bày tỏ kỳ vọng ông Phạm Đức Long sẽ nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, liên tục hoàn thiện mình, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, vừa chèo lái con thuyền VNPT tái cơ cấu đúng hướng, vừa tạo đà tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Rất mong Hội đồng thành viên, ban TGĐ, viễn thông các tỉnh, thành sẽ tiếp tục phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện cho đồng chí Long trên cương vị mới", Bộ trưởng chỉ đạo.

Hiện tại, VNPT đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, với các nhiệm vụ chủ chốt là hình thành và đưa vào hoạt động 3 Tổng công ty mới VNPT- Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media, cũng như triển khai thoái vốn tại các công ty ngoài ngành mà Tập đoàn đang nắm cổ phần...Nhiệm vụ này cần được tiến hành song song với việc duy trì, tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đã đặt ra từ đầu năm.

Trong cuộc phỏng vấn đầu năm với VietNamNet, ông Phạm Đức Long từng cho biết, nếu như trước đây, một số cán bộ, nhân viên của Tập đoàn có cảm giác "buộc phải" tái cấu trúc theo mệnh lệnh thì nay, mọi người đều đã nhận ra tái cấu trúc là vấn đề tất yếu, là nhu cầu tự thân của VNPT. Từ những hiệu quả bước đầu đạt được, mọi người đã thấy được đường đi tiếp theo, thậm chí còn cảm thấy hào hứng với tái cơ cấu. Khi áp dụng việc đánh giá năng suất chất lượng vào thì người lao động rất quan tâm đến thu nhập và hiệu quả công việc. Làm nhiều thì hưởng nhiều. Nguyên tắc tái cơ cấu của VNPT là mọi người đều có việc nhưng phải làm việc và làm việc hiệu quả. Không có chỗ cho lao động "ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương".

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG