VNPT nóng ruột muốn giảm cước

VNPT nóng ruột muốn giảm cước
Sau hơn 3 tháng đề xuất, phương án tính cước mới 2 mạng di động 091 và 090 vẫn chưa được phê duyệt. VNPT lại vừa có công văn "thúc" Bộ Bưu chính Viễn thông sớm xem xét, có câu trả lời cuối cùng.

Theo phương án giảm cước mà VNPT trình Bộ Bưu chính trước đó, cước thuê bao trả sau sẽ là 50.000-72.727 đồng/tháng, cước liên lạc là 636-727 đồng/block 30 giây (giảm gần 20% so với mức cước cũ). Điện thoại di động trả trước là 1.000-1.182 đồng/block 30 giây.

Ngoài ra cước các cuộc gọi sẽ được tính theo công thức 30+6 tức là phút đầu sẽ tính theo block 30 giây, phút tiếp theo sẽ tính theo block 6 giây.

Ngoài ra, các cuộc gọi nội mạng của VNPT sẽ được giảm khoảng 15-20% so với các cuộc gọi ngoài mạng. Với phương thức tính cước thay đổi như vậy, theo tính toán của VNPT, doanh thu sẽ giảm khoảng 10%.

"VNPT đã liên tục giải trình, chỉnh sửa theo yêu cầu của Bộ. Chúng tôi mong Bộ Bưu chính Viễn thông sớm có câu trả lời chính thức về việc có cho phép giảm hay không", ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin VNPT bức xúc nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra bức xúc với phương án đại hạ giá dịch vụ mà VNPT đưa ra. Một quan chức của Công ty S-Fone cho rằng, VNPT đang chơi khó các doanh nghiệp mới bởi mức giá mà họ đưa ra khiến không chỉ S-Fone mà ngay cả đối thủ sừng sỏ là Viettel khó mà cạnh tranh nổi. "Chúng tôi khó mà tồn tại được nếu không cắt giảm mọi khoản chi phí để tính toán một chiến lược dài hơi và thời gian tới mọi việc với chúng tôi sẽ càng trở lên khó khăn hơn", vị đại diện này thừa nhận.

Lo ngại của các doanh nghiệp mới về cuộc chạy đua giá cước giữa các nhà cung cấp dịch vụ phần nào lý giải vì sao 2 mạng di động 092 của Hanoi Telecom và 096 của VP Telecom liên tục lỗi hẹn với người tiêu dùng.

Theo lý giải của các doanh nghiệp thì với lợi thế hơn người, VNPT liên tục hạ giá sản phẩm khiến họ phải có chiến lược dài hơi và phải cân nhắc rất kỹ mới mong tồn tại được.

"Nếu Bộ Bưu chính Viễn thông không có lộ trình giảm giá rõ ràng thì chẳng khác nào sinh ra các doanh nghiệp mới sau đó để họ sống leo lắt èo uột", một quan chức của VP Telecom nhận xét.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của VNPT lại không nghĩ như vậy, Phó ban giá cước tiếp thị Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, doanh nghiệp nào tham gia thị trường là phải chấp nhận quy luật của thị trường, phải chấp nhận đầu tư và cạnh tranh cùng các nhà cung cấp khác.

"Thực tế cho thấy doanh nghiệp mới kêu nhưng bao giờ cũng vậy cứ hôm nay, VNPT giảm cước là lập tức vài ngày sau đó họ lại lục rục giảm theo. Điều này chứng tỏ họ đang kinh doanh có lãi", ông Thắng nói.

Đồng tình với quan điểm này, một quan chức cấp cao của VNPT cho rằng, Bộ Bưu chính Viễn thông nên có quy định rõ ràng về việc sẽ bảo hộ doanh nghiệp mới trong thời gian bao lâu, một vài năm hay suốt đời.

"Chúng tôi hiểu, Bộ cũng có cái khó riêng tuy nhiên là cơ quan quản lý Bộ phải minh bạch và công bằng trong cách đối xử không thể vì cái khó của doanh nghiệp mới mà quên đi quên đi quyền lợi của trên 6 triệu khách hàng. Cũng không thể có sự bất công là 1 triệu thuê bao của Viettel và S-Fone được hưởng cước rẻ còn trên 6 triệu thuê bao của VNPT lại bị tính cước cao", ông này nói.

Trong khi VNPT đang nôn nóng muốn giảm cước thì lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đứng giữa nhiều sự lựa chọn, một bên là doanh nghiệp mới, một bên là người tiêu dùng và VNPT.

Nếu giảm cước thì các doanh nghiệp mới và nhất là những mạng đang chuẩn bị ra đời khó mà chịu nổi. Còn nếu không giảm sẽ đi ngược với chủ trương của Chính phủ và quyền lợi của người tiêu dùng.

"Với mức cước mà VNPT đưa ra, Bộ sẽ xem xét trong mọi trường hợp cụ thể và sẽ có câu trả lời trong tháng này theo hướng đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Nhà nước, mà không ảnh hưởng đến thị trường", Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng tiết lộ với báo giới.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.