Với tôi, tiền chỉ đứng thứ ba

Với tôi, tiền chỉ đứng thứ ba
TP - “Vinamit, đơn giản đó là mít Việt Nam”– Tổng GĐ Cty Vinamit Nguyễn Lâm Viên lý giải như vậy về một thương hiệu nông sản Việt nổi tiếng thế giới. Người đàn ông từng đứng bên bờ tuyệt vọng này khẳng định, “tiền không là số một”.

Và ông đang làm cuộc hành trình hướng về cộng đồng bằng lòng nhân ái

“Sau khi Sài Gòn được giải phóng, tôi đi làm ở Nông trường Sông Ray (Đồng Nai). Được mấy năm, tôi nghỉ việc về mở tổ hợp sản xuất mây tre lá từ một ít kinh nghiệm tích lũy được.

Năm 1985, Tổ hợp Đồng Tâm ra đời ở Nhà Bè (TPHCM), tuy phát triển nhanh nhưng nhà xưởng cũng vẫn là tre lá lụp xụp, hàng làm xong không biết chất đâu. Thế rồi chính quyền đến đề nghị góp vốn liên doanh.

Tôi đồng ý và Xí nghiệp liên doanh mây tre lá Nhà Bè ra đời năm 1987 với vốn góp của Nhà nước là lô đất rộng 10.000 mét vuông.

Tôi huy động toàn bộ vốn liếng với 100 lượng vàng tích cóp được để đầu tư xây dựng cơ ngơi và sản xuất. Được mấy năm, có một sự cố buồn đã khiến tôi rời xí nghiệp với hai bàn tay trắng” - Ông Viên “mít sấy” kể lại.

Rồi ông bắt đầu lại như thế nào?

Lúc đó tiền tôi hết rồi, nhưng bạn bè bảo: “Viên, đừng sợ, thị trường trong tay, nghề trong tay… thì có gì phải sợ?”. Cảm giác của tôi lúc đó như con chim sợ cành cong.

Sau một năm nghỉ ngơi, thực chất là tôi chuẩn bị  “tái xuất giang hồ” bằng việc gây dựng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, tôi phải “chia nhỏ” nhà máy ra làm ba nơi (kho chứa nguyên liệu ở Bình Dương, sơ chế ở An Phú Đông và chế biến ở Thủ Đức) để không ai chú ý và để người ta thấy mình nhỏ, người ta thương. Lúc đó tôi chỉ cầu trời đừng ai biết và để ý đến mình…

Không được quên cộng đồng

Triết lý kinh doanh của ông là gì?

Cộng đồng. Nếu không vì cộng đồng mà chỉ vì lợi nhuận thì anh sẽ mất. Muốn bán được hàng và thương hiệu nổi tiếng thì anh phải được những người trong cộng đồng yêu mến, đừng bao giờ quên cộng đồng.

Nhà nước đang rất coi trọng doanh nhân, còn các doanh nhân đã coi trọng cộng đồng của mình chưa?

Thực ra, đây là vấn đề mà các doanh nhân đã suy nghĩ từ lâu. Họ ám ảnh với suy nghĩ rất nhạy cảm: Phải tự bảo vệ mình. Tôi rất thông cảm với 20 người được công bố là giàu nhất Việt Nam. Khi được nêu tên, người nào cũng chối đây đẩy, vì họ sợ cộng đồng không yêu họ và họ chỉ muốn làm giàu một cách âm thầm.

Lẽ ra, khi được đưa lên như thế thì phải rất lấy làm hãnh diện và anh sẽ hướng tới cộng đồng, sẽ làm gì đó nhiều hơn cho cộng đồng để cộng đồng yêu anh,  yêu 20 người giàu nhất này nhiều hơn, như thế mới đúng, mới tốt.

Bài học cho thấy, tất cả những tập đoàn của thế giới khi đầu tư vào Việt Nam hay bất cứ đâu họ đều chú ý và bỏ tiền làm từ thiện. Đơn giản vì họ muốn cộng đồng này yêu họ cho nên họ phải yêu cộng đồng trước. Các doanh nhân của chúng ta hiện nay cơ bản đều có lối suy nghĩ và phản xạ giống như 20 người giàu nhất Việt Nam.

Có người ví von rằng, có hai dạng người, một là có ba đồng nhưng cố gắng làm cho thiên hạ nghĩ mình có mười đồng, và dạng ngược lại. Ông thuộc dạng nào?

Với tôi, ba hay mười đồng không quan trọng. Tôi cho rằng, giá trị của con người không phải là tiền mà là sự sáng tạo và là mối quan hệ, xử sự, thái độ của người đó.

Tôi hay lưu ý các bạn trẻ là phải cẩn thận về thái độ. Nếu anh nghĩ cứ phải kiếm được thật nhiều tiền mới là người sung sướng thì lập tức anh sẽ sinh ra một loạt thái độ, ứng xử không tốt với người khác và chính anh sẽ là người đau khổ. Với tôi, số một là thái độ, số hai là công việc, số ba mới là tiền.

Văn hóa hội nhập

Theo ông, những yếu kém căn bản mà doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục khi bước vào sân chơi WTO?

Văn hóa. Chúng ta chưa hiểu văn hóa cộng đồng, văn hóa hội nhập thì chúng ta khó có được những triển vọng. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công lớn ở thị trường thế giới thì phải chủ động chuyển biến văn hóa.

Theo ông, đâu là thói xấu của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam?

Nhiều người giàu có tật xấu là coi thường người nghèo. Các doanh nhân Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc điểm của doanh nhân Việt Nam là tranh mua tranh bán, hay ganh ghét, đạp lên nhau mà đi, ít tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, sự đoàn kết giữa các doanh nhân, doanh nghiệp ít có. Sâu xa là bởi họ không vì cộng đồng nên không hiểu tính cộng đồng.

Phải biết học sáng tạo

Nhiều bạn trẻ muốn trở thành doanh nhân, ông có lời khuyên gì đối với họ?

Tôi khuyên các bạn trẻ phải biết học cách sáng tạo. Nếu lớp trẻ không có sự sáng tạo thì không nên làm doanh nhân. Muốn thành công thì phải có khác biệt, nhưng không có sáng tạo thì không có sự khác biệt và chỉ làm theo người ta thì anh chỉ có thất bại.

Cũng giống như ngày xưa tôi không chấp nhận việc trái cây chỉ để ăn tươi và tôi nghĩ đến việc chế biến trái cây. Ý tưởng đó đến nay người ta mới nghĩ là đúng, còn lúc  đó nhiều người nói: “Thằng này khùng!”.

Quan điểm sử dụng nguồn nhân lực trẻ của ông?

Tôi đòi hỏi họ hai điều, một là tính hệ thống, hai là tính chuyên nghiệp. Thủ trưởng đánh giá anh trên tính chuyên nghiệp, trên hiệu quả tổ chức của anh. Anh phải tự trả lương cho mình.

Với tôi, tiền chỉ đứng thứ ba ảnh 1

Cty Vinamit thành lập năm 1991, có ba nhà máy với tổng diện tích nhà xưởng trên 10 ha. Hơn 15 năm qua, Nguyễn Lâm Viên đã biến trái mít bình dị của Việt Nam trở thành món ăn cao cấp và có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Doanh thu hàng năm tăng mạnh, và tăng ở mức 30% trong 5 năm gần đây. Hơn 60% doanh số của Vinamit (khoảng 15 triệu USD) thu được từ xuất khẩu. Ngoài mít, Vinamit còn chế biến, sấy khô nhiều loại nông sản khác như chuối, ổi, xoài, khoai lang, khoai môn…

Vinamit là một trong số 18 doanh nghiệp được nhận giải thưởng Hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại lần thứ I do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức đầu tháng 2/2007

Từ ngày thành lập đến nay, Vinamit cùng với người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu rộng 20.000 ha tại Bình Dương và Bình Phước. Một vùng nguyên liệu 20.000 ha khác cũng đang được xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác tại Đắk Lắk. Vinamit cũng đầu tư một nhà máy sơ chế sản phẩm tại Buôn Mê Thuột và vừa đưa vào hoạt động đầu năm 2007.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.