Vốn kích cầu xây dựng nhằm vào đâu?

Vốn kích cầu xây dựng nhằm vào đâu?
TP- Bàn thảo nhiều nhất tại buổi làm việc ngày 27/3 giữa đại diện Tổng hội Xây dựng VN với nhiều chuyên gia về văn bản kiến nghị cụ thể hoá chủ chương kích cầu xây dựng trong điều kiện hiện nay, là vốn kích cầu xây dựng nên ném vào đâu.
Vốn kích cầu xây dựng nhằm vào đâu? ảnh 1
Ảnh Phạm Yên

Các chuyên gia đều cho rằng, giải pháp hàng đầu là tăng vốn cho xây dựng cơ bản. Cần bổ sung vốn nhà nước cho xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà ở và những công trình hiệu quả cao; đình hoãn các công trình chưa cấp bách, hiệu quả kém.

Trong hoàn cảnh hạ tầng kinh tế còn yếu kém, vốn nhà nước nếu kích cầu dàn trải sẽ như ném đá ao bèo.

Với các nguồn vốn khác, cần có chính sách cụ thể, như giảm, giãn thời gian nộp thuế đối với hoạt động xây dựng. Cần giãn, giảm nộp tiền thuê sử dụng đất (để dồn vốn cho xây dựng công trình); có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các dự án BOT, khuyến khích xã hội hóa công trình công ích (duy tu, bảo dưỡng đường, thu gom xử lý rác, xây bệnh viện, trường học...); tạo điều kiện xây dựng thêm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thuê, thuê-mua, trả góp...; rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay để bỏ các rào cản hành chính, tạo điều kiện giải ngân tối đa các nguồn vốn đầu tư.

Các chuyên gia đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Theo đó, với dự án xây dựng công trình, cần sửa đổi, bổ sung Luật XD, Luật Đấu thầu theo hướng bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và nhà thầu trong nước, đồng thời để không phải nhập thiết bị, kết cấu, vật tư có thể sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu công nhân không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), trong điều kiện nhiều vật liệu (thép, xi măng, gạch lát...) đang thừa, cần thực hiện xây dựng đường bê tông xi măng thay đường nhựa (để tiết kiệm ngoại tệ nhập nhựa đường), tăng thuế nhập khẩu đối với VLXD nhập khẩu (kính, gạch lát...) theo các quy định khi VN gia nhập WTO, AFTA; khuyến khích sử dụng vật liệu không nung, tận dụng vật liệu phế thải (tro xỉ nhiệt điện, mạt đá...); hạn chế (bằng cách tăng thuế) đối với việc dùng gạch không nung (nhằm giữ đất nông nghiệp và bảo vệ môi trường).

Để tăng hiệu quả kích cầu, doanh nghiệp cần tập trung rà soát lại cơ cấu trong chiến lược phát triển của mình; từ cơ cấu sản xuất (đầu tư kinh doanh bất động sản, xây lắp, sản xuất VLXD...), cơ cấu ngành nghề cán bộ, công nhân để tổ chức đào tạo, đào tạo lại; đến việc tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT..., kiên quyết tập trung lực lượng vào các công trình trọng điểm, đủ điều kiện để đưa công trình vào sử dụng sản xuất, chất lượng tốt, đạt hiệu quả đầu tư cao nhất; kiên quyết từ chối hoặc kiến nghị đình hoãn các công trình không đủ thủ tục đầu tư, tránh tình trạng vì sợ thiếu việc làm mà cố nhận thầu các công trình loại này.

Các biện pháp đó còn phải đi đôi với tăng cường hợp tác sử dụng các thiết bị hiện có, nhằm giảm nhập thiết bị trong nước hiện có hoặc đang thừa.

MỚI - NÓNG